Hùng Lân - Bắt đầu từ Thánh ca
Nguyễn Thụy Kha
Chỉ một lần gặp Hùng Lân trong cuộc hội ngộ với nhạc sĩ Lê Thương và nhạc sĩ Văn Cao tại Sài Gòn, đã thấy nhiều cảm mến vì ông rất ít nói về mình, hay cười khi Lê Thương khôi hài, nhìn chăm chú Văn Cao uống rượu. Dù đã muộn, cũng vẫn còn gặp được nhau.
Nhạc sĩ Hùng Lân. |
Ông bà Khoát gửi tiền lại cho ông bà Châu và loan tin Thiện bặt tin. Ông bà Khoát đã đổi họ Hoàng cho Thiện thay vì họ Nguyễn. Ở Sa Đéc, bà Minh Châu (Nguyễn Thị Mùi) qua đời. Ông Châu tục huyền với bà Sâm. Khi ông bà trở lại Hà Nội, có gặp ông Khoát đòi lại Thiện. Việc kiện tụng không thành, nên Thiện vẫn đương nhiên là con ông Khoát. Khi Thiện trưởng thành thì kết hôn với bà Nguyễn Thị Nhạ - người Phủ Lý (Hà Nam). Ông bà Thiện sinh 11 người con. Hùng Lân là con thứ tư. Ông sinh ngày 23.6.1922 tại phố Phủ Doãn, Hà Nội. Hôm gặp, biết tôi ở Hàng Bông gần Phủ Doãn, ông có hỏi thăm một vài người thân cũ. Khi sinh ra, Hùng Lân vốn được bố mẹ đặt tên là “Cường”, nhưng khi đi khai sinh thì lại viết nhầm là Hường - Hoàng Văn Hường. Sau này, nghe cái tên có vẻ “nữ tính”, Hùng Lân đã đổi tên là Hoàng Văn Hương.
Từ 8 tuổi, Hùng Lân học trường tiểu học Gendreau (từ 1950 đổi thành Dũng Lạc, nay là trường Hoàn Kiếm - N.T.K) và trường các Sư Huynh Dòng Puiginier. Ông bắt đầu học nhạc với linh mục P.Dépacelis và tham gia Ban hợp xướng Nhà thờ Lớn Hà Nội. Từ năm 1934 đến năm 1945, Hùng Lân tiếp tục học nhạc linh mục J.Bouis tại Chủng viện Hoàng Nguyên, sau là Đại Chủng viện Xuân Bích (Saint Suiepice). Do bố mẹ liên tiếp qua đời vào hai năm 1945 và 1946, Hùng Lân đành bỏ học ở Đại Chủng viện, vì ông là chỗ dựa kinh tế của cả gia đình. Bút danh Hùng Lân là ông lấy tên em thứ năm và thứ tám ghép lại. Ông còn bút danh “Nam Hoa” (Hoa miền Nam), “Lâm Thanh” (Rừng xanh).
Trong phong trào Tân nhạc ở Hà Nội, Hùng Lân và bạn bè đã bắt đầu sáng tác thánh ca Việt Nam. Tháng 7.1945, Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh được thành lập do ông làm Đoàn trưởng. Khi Hội Khuyến nhạc Hà Nội tổ chức cuộc thi sáng tác bài hát (1944-1945), Hùng Lân đã đoạt giải nhất với bài hát “Việt Nam minh châu trời đông” và giải nhì với hành khúc “Rạng đông”. Vừa bằng niềm hồi nhớ tổ tiên (ông Nguyễn Minh Châu) cùng tiên cảm về một thời đại mới, Hùng Lân đã thành công trong hai nhạc phẩm này. Rất tiếc, do “Việt Nam minh châu trời đông” được các lãnh tụ Quốc dân Đảng chọn làm quốc ca, nên một thời dài, nhạc phẩm đầy lòng yêu nước này đã không được vang lên như một kiệt tác của dân tộc. Trong năm 1946, cảm hứng từ lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ, Hùng Lân đã viết hành khúc “Khỏe vì nước” nổi tiếng. Hành khúc đã được Dàn kèn Quân đội tấu lên trong những lễ thể thao, những trận bóng đá suốt từ khi ra đời cho đến hôm nay.
Ngày ấy, Hùng Lân dạy học và dạy nhạc ở trường Kẻ Giảng (Kẻ Sở tức Ninh Phú cách Phủ Lý chừng 5-6 cây số). Năm 1948, Hùng Lân dạy âm nhạc ở trường Chu Văn An - Hà Nội. Ở trường này, Hùng Lân đã dạy nhiều học sinh biết âm nhạc, trong số đó có NSND Trần Hiếu và Quý Dương. Năm 1949, ông soạn bộ sách dạy âm nhạc phổ thông gồm 2 tập mang tên “Cây đàn sống” được NXB Thế giới (Hà Nội) ấn hành. Ông tiếp tục soạn “Bộ sách giáo khoa âm nhạc cho các lớp Đệ thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ (tương đương trung học cơ sở bây giờ) cũng do NXB Thế giới ấn hành 1952-1953. Ông là người đầu tiên soạn Sách Giáo khoa Âm nhạc trong trường phổ thông. Năm 1951, Hùng Lân lập gia đình với bà Nguyễn Thị Dung - một thiếu nữ say mê âm nhạc đã từng hát đơn ca trong ca kịch “Tục lụy” của Lưu Hữu Phước và Thế Lữ. Có lẽ nhờ tình yêu này mà Hùng Lân đã có một ca khúc mùa hè nổi tiếng mang tên “Hè về” dành cho cả trẻ thơ và người lớn.
Từ khi vào Sài Gòn, Hùng Lân là một trong những người sáng lập Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh). Nam 1957, ông dạy môn ký - xướng âm. Ông vừa đi dạy nhạc, vừa học đại học Văn Khoa Sài Gòn và tốt nghiệp cử nhân Văn Khoa (Văn chương Pháp). Năm 1963, ông làm việc tại Trung Tâm học liệu. Sau đó, ông đảm nhiệm chương trình Phát thanh học đường, đi tu nghiệp về giáo dục và truyền thanh tại đại học Syracuse (New York, Hoa Kỳ). Chính từ sau khi đi học ở Hoa Kỳ trở về, Hùng Lân lại đi sâu vào tìm hiểu dân ca Việt Nam. Vừa là tác giả chương trình truyền hình “Đố vui để học”, Hùng Lân còn biên soạn công trình “Tìm hiểu dân ca Việt Nam” trong đó có phần độc đáo “Âm nhạc trong tiếng rao hàng” (Tạp chí Âm nhạc đã in lại năm 1992) được dùng để giảng dạy tại Viện đại học Đà Lạt (1972-1973). Cuốn “Sư phạm âm nhạc thực hành” do ông biên soạn được dùng cho chương trình đào tạo giáo viên tiểu học. ông còn thành lập “Trường âm nhạc BACH” để đào tạo nhạc sĩ trẻ Sài Gòn.
Bên cạnh những tác phẩm giáo khoa, lý luận âm nhạc, Hùng Lân cũng nở rộ trong những sáng tác cho người lớn và trẻ thơ. Bắt đầu từ Thánh ca, ông đã dần trở lại những âm hưởng dân ca Việt Nam. Hai tập nhạc “Vui ca lên” (tập 1 và tập 2) gồm 100 bài hát trẻ thơ và sinh hoạt đoàn thể đa số dùng điệu ngũ cung phổ các bài đồng dao như “Tập tầm vông”, “Kéo cưa lừa xẻ”, “Chi chi chành chành”, “Trồng nụ trồng hoa”, “Nu na nu nống”, “Xỉa cá mè”… cho thấy Hùng Lân là người nhạc sĩ đi đầu trong việc khai thác đồng dao, sau ông là Phạm Tuyên. Hùng Lân đã thực sự thấm nhuần dân ca Việt Nam trong “Bài non nước” và “Duyên tình miền Nam”. Nghe các nhạc phẩm này, thấy như đang trôi đi mênh mang trên sông nước Nam Bộ. Khác cách thể hiện dân ca của thế hệ trước, Hùng Lân chủ trương hòa âm từ ba đến bốn giọng khác nhau để tạo nên tính thời đại cho những sáng tác này.
Thực ra, Hùng Lân đã bắt đầu đi từ Thánh ca đến dân ca từ hành khúc “Khỏe vì nước”. Âm hưởng này càng rõ rệt hơn trong ca khúc “Sầu lữ thứ” lai láng tâm sự với những bước lùi ở quãng 7 và quãng 8 gập ghềnh như cõi lòng người nhạc sĩ khi dặm trường ly hương, dù là với gốc gác thì lại hóa trở về cố hương. Hùng Lân có vui hơn chút khi chan hòa sống với đời thường dân gian qua “Xóm nghèo”, “Mùa hợp tấu”, lại chùng xuống “Hận Trương Chi”, rồi lại đầy hy vọng trong “Ca xuân hẹn ước”, “Mạch sống” và dừng lại ngẫm nghĩ trong “Tơ vương”.
Tác phẩm cuối cùng của người nhạc sĩ trọn đời cống hiến cho âm nhạc là ca khúc “Suy tư cuộc đời” thì ở đấy, người nghe thấy một sự hòa tan giữa Thánh ca và dân ca. Hòa tan như không khí để thở những ngày tháng cuối cùng của đời người Việt Nam ở tại Việt Nam. Hùng Lân đã tạ thế ngày 17.9.1986. Ông không còn để nhìn thấy đất nước những ngày đổi mới, để nghe âm nhạc của mình vang lên khắp nơi cùng “Khỏe vì nước”, nhất là “Hè về” được vang lên trong chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” tại Hà Nội - tháng 3.1994. Năm 2007, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã vinh danh ông cùng nhiều tác giả âm nhạc không phải là hội viên trong phần “Những người hoạt động âm nhạc có đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và nền âm nhạc Việt Nam”.
Cùng nghe nhạc thiếu nhi hay nhất, cho tâm hồn thêm trẻ
Trả lờiXóanhạc sĩ này lạ quá
Trả lờiXóahạt điều rang muối