Nhận được mail của Hồng Lãng, con gái kế út của thầy báo tin sắp làm lễ giỗ và có ý định sẽ làm một cuốn tuyễn tập về Thầy.
Trong bao nhiêu học trò thầy đã dạy ở nhạc viện Saigon, có lẽ tôi là người may mắn được học và được làm việc với Thầy từ lúc còn là nhạc sinh cho đến khi đã trở thành thầy giáo như Thầy. Nói về nhạc sĩ Hùng Lân, không ai là không biết những nhạc phẫm để đời như Cô Gái Việt, Hè Về, Việt Nam Minh Châu Trời Đông, những bài Thánh Ca luôn luôn vang lên trong nhà thờ trong các thánh lễ mà bài nhạc luôn được mọi người hát khi giáng sinh về mà nhạc sĩ đã viết lời Việt, đó là bài Đêm Thánh Vô Cùng….
Nói về nhà giáo Hùng Lân, thì những ai không siêng năng học sẽ ngán lắm, vì Thầy rất khó, rất nghiêm, rất nóng tính khi nhạc sinh không học hành đàng hoàng. Nhưng trong cái khó, cái nghiêm của Thầy đã chứa đựng một tình cảm thật sâu đậm của một người cha, người chú, muốn con em mình phải học hành giỏi, phải học đến nơi đến chốn.
Tôi nhớ hoài những buổi học với Thầy.
Mới vô lớp, luôn luôn Thầy điểm danh từng chú học trò, xem chú nào có mặt, chú nào vắng mặt. Thầy gọi chúng tôi bằng chữ CHÚ bất kể con trai hay con gái. Khi vui vui, thì Thầy gọi chúng tôi bằng LÝ (lý Oanh, lý Hạnh, lý Thư..v.v.) lúc trả bài, hay tập viết hợp âm, nếu người nào viết sai, Thầy hay dùng chữ càlàmèn, càlàrỉ để thay cho điểm nốt, vì thế khi được nghe Thầy dùng chữ nào để nói thì sẽ biết sức học của mình giỏi dỡ ra sao..
Khi tập xướng âm, sau khi đọc chung cả lớp, Thầy hay kêu từng em hát lại bài học vừa tập…nếu mọi người hát tốt, Thầy vui vẽ đệm đàn theo, gương mặt rạng rỡ, nếu người nào hát dỡ, Thầy liền tỏ thái độ bực mình, nhăn nhó gắt gỏng ngay, sau đó chắc chắn, tôi sẽ được Thầy gọi để trả bài. Lần nào cũng vậy, sau khi tôi đọc bài xong (trong lớp nhạc khi trả bài, c ó ngh ĩa là phải đọc (h át) với cao độ nốt nhạc), tôi thấy Thầy vui và dịu dàng lại.
Mỗi khi có việc gì cần người giúp, tôi luôn được Thầy nhờ, có lẽ tại tôi nhanh chân,…hay vì tôi là cô học trò cưng của Thầy. Được Thầy giao nhiệm vụ, được Thày nhờ làm việc gì ở trong lớp, đây là một vinh dự …mà không phải ai cũng được Thầy kêu.
Tôi đã ảnh hưởng cách làm việc, cách giãng dạy của thầy khi vừa bắt đầu đứng lớp. Với phương pháp làm việc rõ ràng, tận tâm…nhưng rất nghiêm khắc của Thầy đã cho chúng tôi, những nhạc sinh được may mắn qua lớp nhạc lý của Thầy từ lúc bắt đầu đến khi tốt nghiệp đã có một căn bản vững chắc và một vốn liếng đầy đủ vừa tư cách - tác phong, vừa có tinh thần, vừa có tình đồng đội. Nhờ đó mà chúng tôi đã vững tin bước vào đời mới, trong nhiệm vụ giáo dục âm nhạc. Khi Thầy sang làm việc ở Trung Tâm Học Liệu, tôi cũng đã đi theo Thầy trong chương trình Gia Đình bác Tám với anh Hùng Tâm, chị Tuyết Hằng, Hồng Vân. Khi Thầy làm chương trình Tìm Hiểu Dân Nhạc trên đài truyền hình thì tôi cũng có mặt. Trong chương trình này, Thầy đã có nhiều cảm hứng để sáng tác qua những lời nói ngây thơ của Hồng Lãng vừa được 4, 5 tuổi, và Thầy đã sáng tác những bài đồng giao, những bài hát cho trẻ em như Em yêu ai, Thằng Tí Sún, rước đèn Trung Thu..v.v..
Năm 1969, Sau khi Phượng Ca được thành lập, Thầy đi tu nghiệp bên Mỹ, thỉnh thoãng, tôi có nhận được thư hay bưu hoa Thầy gửi về, và lúc đó tôi ít có dịp làm việc với Thầy, nhưng mỗi năm tết đến, tôi lại đến thăm và chúc tết Thầy. Tôi nhớ có một năm, đem biếu Thầy gốc mai đế đón xuân. Vì hái lá trể, đã 23 tết mà chưa có một cái nụ nào, khi Thầy hỏi làm sao cho hoa nở đúng đêm giao thừa, tôi nói Thầy phải đốt gốc rồi đổ nước sôi, vài hôm sau, Thầy ghé ngang nhà bảo hoa sắp nở tung, làm sao giữ cho đến ngày mùng một, lúc đó, tôi lại nói xin Thầy lấy nước đá bỏ vào gốc mai…. Cũng may, năm đó, hoa cũng nở đẹp, nhưng từ đó về sau, mỗi lần tết đến, tôi chỉ đến thăm Thầy cô và biếu bánh chưng nhà gói mà không dám biếu Thầy hoa nữa. Những năm đầu ở Pháp, tôi cũng thường viết thư thăm Thầy, lúc này, Thầy mở lớp dạy ở nhà, ở bên này, Phượng Ca cũng vừa được tái lập. Tôi mở lớp đàn tranh, ca xướng. Và các bài hát nhi đồng của Thầy đã được trẻ em bên Pháp tập hát vì lời Thầy soạn rất dể nhớ, dể thuộc.
Khi bắt đầu dạy học, tôi đã theo gương Thầy lấy lương tâm trách nhiệm làm đầu, hướng dẫn tận tình để học viên nắm vững căn bản bài nhạc. Tôi cũng rất khó và kỹ luật với nhạc sinh của mình. Nhưng bên cạnh đó, người học trò hiểu sự khó của tôi là mong cho người học sẽ học giỏi hơn, hay hơn. Điều này đi đúng đường lối chỉ dạy của Thầy Hùng Lân. Nhờ đó mà tôi đã thành công tạo nên được phong trào học âm nhạc dân tộc cho các thanh thiếu niên Việt Nam ở hải ngoại và tôi đã đi đúng con đường mình chọn đúng như câu nói của ông cha để lại tự ngàn xưa:
Không thầy đố mày làm nên
và
Có trọng Thầy, thì mới được làm Thầy.
Cám ơn Hồng Lãng đã cho tôi được góp mặt trong cuốn sách kỷ niệm này. Tôi tin chắc Thầy trên Thiên Đàng cũng vui nhìn thấy lại một cô học trò nhỏ ngày nào bây giờ đã trưởng thành và đã luôn nhớ lời Thầy dạy bảo.
Taverny, ngày 29/8/2012.
Phương Oanh.
giáo sư quốc gia Pháp về âm nhạc truyền thống Việt Nam
sáng lập trường Âm Nhạc Dân Tộc Phượng Ca từ năm 1969.
giáo sư nhạc viện Antotny và nhạc viện Sevran.
Thính đường nhạc viện tỉnh Antony.
Rất hay và sâu sắc mình xin cảm ơn.
Trả lờiXóaquán karaoke đẹp ở tphcm