Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Hùng Lân "Đêm Thánh Vô Cùng" - Nguyễn Bách


Mặc dù trong số báo “Tuổi Trẻ Chủ Nhật”, số Tất Niên 2001 chúng tôi đã có may mắn là người đầu tiên giới thiệu về Hùng Lân- một nhà sư phạm âm nhạc lớn của Việt Nam với độc giả cả nước sau năm 1975, nhưng chúng tôi vẫn luôn áy náy vì nhiều yếu tố khách quan, không giới thiệu được những nét độc đáo khác của người nghệ sĩ đa tài này, nhất là trong lãnh vực âm nhạc tôn giáo. Nhân dịp Giáng Sinh – mùa của âm nhạc thánh – gần đến, chúng tôi xin được giới thiệu với qúy độc giả về Hùng Lân – tác giả của lời Việt tuyệt vời cho bài thánh ca Giáng sinh bất hủ: Đêm thánh vô cùng(Stille Nacht, Heilige Nacht hay Silent Night, Holy Night).

Tiểu sử:
Hùng Lân (tên thật là Hoàng Văn Hương sinh ngày 23/6/1922 tại phố Phủ Doãn (Hà Nội), là người con thứ tư trong số 11 người con của ông Hoàng Văn Thiện lập gia đình với bà Nguyễn Thị Nhạ, người Phủ Lý (Hà Nam).

Từ năm  8 tuổi, Hùng Lân học ở trường tiểu học Gendreau (năm 1950 đổi tên thành Dũng Lạc, hiện nay là trường Hoàn Kiếm, phố Nhà Chung, Hà Nội) và trường các Sư Huynh Dòng La-san Puginier. Ở đó, ông bắt đầu học nhạc với Lm. P. Dépaulis và được tuyển vào ban hợp xướng của nhà thờ lớn Hà Nội. (Một cách tiếp xúc ban đầu với âm nhạc thường gặp ở các nhà soạn nhạc của âm nhạc kinh điển trên thế giới). Từ 1934 đến 1945, Hùng Lân tiếp tục học nhạc với Lm J.Bouis tại chủng viện Hoàng Nguyên, rồi sau đó là đại chủng viện Xuân Bích (Saint Sulpice). Liên tiếp trong hai năm 1945 - 46, thân mẫu rồi đến thân phụ của Hùng Lân qua đời. Đây là nguyên nhân chính khiến Hùng Lân rời bỏ việc học ở đại chủng viện để có điều kiện lo lắng cho cả nhà vì ông là chỗ dựa của gia đình lúc bấy giờ, khi các em còn nhỏ. Bút hiệu “Hùng Lân” được ghép từ hai  tên của người em thứ năm và thứ tám của ông cho thấy Hùng Lân rất thương yêu các em mình. Ngoài bút hiệu này, trong lãnh vực thánh ca ông còn dùng tên hiệu: “Nam Hoa”, “Lâm Thanh” cho các sáng tác của mình.

Khoảng 1930 -1940, trong các nhà thờ chỉ hát những bài La-tinh trong sách Paroissien Romain và các bài hát tiếng  Pháp trong Cantique de la Jeunesse. Họa may một số bài được dịch sang tiếng Việt, nhưng vẫn theo nốt nhạc Tây. Đã đến lúc phải sáng tác những bài hát Việt Nam. Hùng Lân và nhóm sinh viên đại chủng viện Xuân Bích Hà Nội đã nghĩ đến việc sáng tác những bài thánh ca Việt Nam theo thể loại mới. Từ đó, vào tháng 7 năm 1945, Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh được thành lập, do ông làm Đoàn trưởng. Tính đến năm 1974, nhạc đoàn này đã xuất bản 16 tuyển tập thánh ca của nhiều tác giả mang nhan đề chung: Cung Thánh. Riêng Hùng Lân còn cho xuất bản 3 tập thánh ca  Ca Vang Lời Chúa 1, 2, 3.

Hùng Lân dạy học ở trường Kẻ Giảng (Kẻ Sở - tức Ninh Phú, cách Phủ Lý chừng 5, 6 cây số). Trong nhà thờ vùng đó, có một cây quản cầm (harmonium) rất tốt. Đó chính là người bạn thân của Hùng Lân trong suốt hai năm 1945 - 1946 và là nơi ông khai sinh ra nhiều bài hát nổi tiếng khác. Có lẽ hoàn cảnh lúc này của Hùng Lân có nhiều điểm giống với thầy giáo nhạc sĩ Franz Xaver Gruber (1787-1863, người Áo), đồng tác giả với cha xứ Joseph Mohr của bài hát giáng sinh nổi tiếng nhất thế giới: Stille Nacht, Heilige Nacht (Silent Night, Holy Night), nên ông đã là người đầu tiên viết lời Việt cho bài ca Giáng sinh đó, dưới tên gọi:  Đêm thánh vô cùng. Đây cũng là bài thánh ca tiếngViệt được nhiều người ngoại quốc hát, đặc biệt vào mỗi mùa Giáng sinh. Năm 1948, Hùng Lân dạy âm nhạc ở trường Chu Văn An (Hà Nội). Năm 1949, sách dạy âm nhạc khai tâm và sơ đẳng gồm hai tập, mang tên: Cây đàn sống được NXB Thế  giới, Hà Nội ấn hành. “Bộ sách giáo khoa âm nhạc cho lớp đệ Thất, đệ Lục, đệ Ngũ, đệ Tứ” (tức các lớp phổ thông cấp II ngày nay) cũng được  nhà xuất bản này cho ra đời trong năm 1952, 1953. Có thể nói ông là người đầu tiên soạn sách giáo khoa dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông.

Sau khi vào miền Nam, quê hương gốc của ông, năm 1956, Hùng Lân là một trong những người tham gia sáng lập Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn (hiện nay là Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh). Ở đó, năm 1957, ông được bổ nhiệm dạy về “nhạc Pháp” (tức Ký-xướng-âm). Sau khi tốt nghiệp Cử Nhân Giáo khoa Văn Chương Pháp ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn) vào năm 1963, Hùng Lân về làm việc tại Trung Tâm Học Liệu (trên đường Trần Bình Trọng). Năm 1965, ông được đề cử phụ trách khâu Phát thanh Học đường và đi tu nghiệp về Giáo dục và Truyền thanh tại đại học Syracuse, tiểu bang New York (Hoa kỳ) vào năm 1967 -1968. Sau khi trở về Việt Nam, ông chính là tác giả của chương trình “Đố vui để học” đầu tiên do Trung tâm Học liệu phát hình năm 1969 đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Hùng Lân còn đóng góp nhiều cho việc nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam qua công trình Tìm hiểu Dân ca Việt Nam được dùng để giảng dạy tại Viện Đại học Đà Lạt từ niên  khoá 1972-1973. Trong đó, có phần nghiên cứu độc đáo về “Âm nhạc trong tiếng rao hàng”. Cũng trong thời gian này, ông soạn cuốn Sư phạm Âm nhạc Thực hành dùng cho chương trình đào tạo các giáo viên tiểu học (cấp I). Ở miền Nam, ông còn cùng với linh mục nhạc sư  Tiến Dũng thành lập trường âm nhạc BACH (ít lâu sau đổi tên thành trường Suối Nhạc – không phải hệ thống trường Suối Nhạc ngày nay) để đào tạo các nhạc sĩ trẻ tuổi tại Sài Gòn. Những sáng tác của ông lúc này thấm nhuần âm điệu Việt Nam.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Hùng Lân dạy nhạc tại tư gia trên đường Nguyễn Văn Thủ, Q. I, TP. HCM. Với tâm huyết của một nhà giáo, với lòng nhiệt thành và say mê âm nhạc của một nhạc sĩ - nghệ sĩ, ông vẫn âm thầm cống hiến cho nền giáo dục âm nhạc và âm nhạc dân tộc của đất nước. Báo Thanh Niên, số Cuối năm1989, tuần lễ từ 31/12/1989 đến 7/1/1990 đã ghi nhận như sau  trong mục ”Guinness Việt Nam, ở trang 2: “Người tham khảo tài liệu nhiều nhất để soạn nhạc lý, một trong những người đó là nhạc sĩ Hùng Lân (TP. HCM) đã tham khảo 77 tài liệu âm nhạc trong và ngoài nước (Liên Xô, Pháp, Bỉ, Mỹ, Úc, Philippine,…) để nghiên cứu đề xuất một phương pháp mới dạy nhạc cho thanh niên vào năm 1979”. Hùng Lân qua đời vào ngày 17/9/1986 vì trọng bệnh và tuổi già sức yếu trong niềm thương tiếc của gia đình, bạn hữu và nhiều thế hệ học trò. Ông để lại trên 900 tác phẩm âm nhạc bao gồm các sáng tác và biên soạn.

Ông là một trong những nhà sư phạm âm nhạc đầu tiên của nền Tân nhạc Việt Nam. Quả thật, đã có khá nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng đã từng học với Thầy Hùng Lân. Trong số đó: ca sĩ Hồng Vân, Quý Dương, Nhà giáo Ưu tú - nghệ sĩ đàn tranh Phạm Thúy Hoan,… Nhân dịp nghe Giáo sư - nhạc sĩ Hoàng Đạm giới thiệu về bản fugue 3 bè mới viết cho piano của mình, có tên:  Khát vọng, chúng tôi được nghe tâm sự: “Chủ đề của bài fugue này được lấy từ một giai điệu trong bài  Nguyện Xin mà tôi còn nhớ được trong những ngày theo học NS. Hùng Lân, người thầy âm nhạc đầu tiên của tôi, về môn Ký xướng âm tại Hội Khuyến nhạc Hà Nội. Đây cũng là lớp Ký xướng âm đầu tiên của Hội. Đó là một giai điệu đẹp nhất mà tôi được biết cho đến nay”. Hùng Lân chỉ huy ca đoàn Lộ Đức (Cầu Mới, Tân Định) tại nhà thờ Pha-xi-cô Đa-Kao. Cũng tại đây vào tháng 9 năm 1986, chúng tôi đã điều khiển ca đoàn này hát lễ an táng cho ông.

Về bài thánh ca bất hủ "Đêm thánh vô cùng":

Tuy có một số tác giả đã viết lời Việt cho bài thánh ca Giáng sinh tuyệt vời: Stille Nacht, heilige Nacht (Silent Night, Holy Night), nhưng Đêm Thánh vô cùng của Hùng Lân là hay nhất và được biết đến nhiều nhất, đối với người Việt Nam lẫn ngoại quốc. Cho đến nay người ta vẫn không tìm được thủ bản chính của bản thánh ca giáng sinhnày. Nhưng ai cũng biết rằng nó được sáng tác bởi 2 người bạn: linh mục Joseph Mohr và thầy dạy nhạc Franz Xaver Gruber ở một ngôi nhà thờ làng nhỏ bé vùng Salzburg (nước  Áo, trong lịch sử đã có thời thuộc Đức). Trong 10 năm sống tại Tây Đức, chúng tôi đã có cơ hội được sống và làm việc tại vùng Salzburg trong 3 tháng. Thời gian đó đủ để sưu tập được một số chi tiết mà trước đây mình chưa biết hoặc biết không đúng về sự ra đời của “Stille Nacht, heilige Nacht”

Bài hát này ra đời vào mùa Giáng sinh năm 1818 tại nhà thờ Thánh Nicolas thuộc làng Obendorf gần Salzburg sau khi cuộc chiến tranh của Napoléon đưa đến một trật tự mới cho châu Âu căn cứ theo Hội nghị Vienne. Nhà thờ này có cha Sở là linh mục Joseph Kessler, chứ không phải Joseph Mohr như người ta vẫn thường nói. Mohr là thầy sáu trong thời gian từ 1817 đến 1819. Lần đầu tiên bài hátđược vang lên trong thánh lễ đêm Giáng sinh năm đó. Thật ra, Gruber không chỉ viết bài thánh ca này theo lời thơ và đề nghị của thầy Sáu Joseph Mohr, bạn mình, mà ông đã viết trước đó, với lời ca khác, theo đề nghị của bạn bè và đồng nghiệp.Sau đó, ông mới sửa lại cho phù hợp với lời thơ của thầy sáu Mohr. Và, bản sau này đã được phổ biến nhanh chóng đi khắp nơi đến nay. Trong khoảng thời gian này, Mohr và Gruber đã trở thành đôi bạn thân thiết, có thể vì có điểm giống nhau: say mê âm nhạc. Mohr đã từng là thành viên trong ban hợp xướng và là tay đàn violon của Đại học Thần học Thánh Phê-rô. Gruber là thầy giáo dạy nhạc, nghệ sĩ đàn orgue cho nhà thờ Thánh Nicolas từ 1816 đến 1829.

Chỉ trước ngày 24 tháng 12 năm 1818 không lâu, Joseph Mohr đề nghị Franz Xaver Gruber sửa lại giai điệu cho thích hợp với lời thơ của mình để dùng bài hát trong việc mừng Đêm Thánh. Gruber đã soạn lại cho 2 giọng solo và hợp xướng với phần đệm bằng đàn guitar.

Sau lễ Giáng sinh năm đó, bài thánh ca này nhanh chóng được phổ biến ở nhiều nơi trên nước Đức và vượt biên giới nước này sang Mỹ, Anh, Na-Uy, v.v… Chúng tôi đã thu thập được hơn 30 bài thánh ca với 30 thứ tiếng địa phương khác nhau..

Như đã nói, có nhiều thủ bản của “Stille Nacht, Heilige Nacht” nhưng người ta vẫn xem bản viết ở cung Ré Trưởng, nhịp 6/8, có 6 lời, được viết vào năm 1818 là bản chính gốc.

Nguyễn Bách 

(Nguồn: Báo Âm Nhạc Việt Nam số 6-12/2009)

1 nhận xét:

  1. Bài hướng dẫn rất hay đúng những gì mình đang tìm hiểu. Cảm ơn ad
    quán karaoke đẹp

    Trả lờiXóa