Quý Cha, Quý Soeur, Quí vị và các bạn thân mến,
Thật là một vinh dự cho chúng tôi được kể về những kỷ niệm và những cảm xúc của mình trong buổi lễ Tưởng niệm GS. Hùng Lân, vị Thầy đáng kính của chúng ta .
Thưa Quí Vị,Khi còn là nhạc sinh của trường QG.ÂN/KN Saigon, tôi đã được học môn Ký Xướng Âm với Thầy Hùng Lân. Thú thật là khi thấy tên mình trong danh sách học với Thầy thì ai cũng xanh mặt hết, bởi vì nghe nói Thầy khó tính lắm. Chúng tôi vào lớp mà cứ chí chóe dành nhau ngồi bàn chót. Tới khi Thầy bước vào, lập tức có 1 màn chỉ định “ Chú này nhỏ con, lên bàn đầu, chú này cận thị, ngồi bàn này, chú này to con, ngồi chỗ này Chúng tôi bật cười vì bỗng dưng trở thành các “chú” hết,…Rồi Thầy dặn dò chúng tôi những điều cần thiết khi vào lớp…..
Thầy nói nhẹ nhàng, dứt khoát , đôi lúc cũng pha trò làm chúng tôi toét miệng cười, hết sợ luôn !!!!. Những ngày sau đó, chúng tôi nhận ra rằng Thầy không hề khó tính nếu học trò thuộc bài , làm bài đầy đủ, nhưng Thầy cực kỳ khó tính khi học trò không thuộc bài hoặc viết nốt nhạc cẩu Thấm thoắt đã tới ngày ra trường., khi biết tin tôi đã tốt nghiệp Thầy nói “chúc mừng chú đã đậu thủ khoa đàn Tranh, lại còn được Huy Chương vàng nữa, đáng khen.” Một năm sau tôi Tốt nghiệp môn Sư Phạm Âm nhạc, Thầy khen rất nồng nhiệt “ Thầy biết ngay mà, trong thời gian học với Thầy, chú có tố chất của người dạy học. Chú dạy học sẽ rất thành công đấy. Thầy rất hãnh diện và khen chú đã đậu thủ khoa” . Tôi rất sung sướng với lời khen của Thầy nhưng cũng rất lo lắng vì lúc đó tôi “ham” biểu diễn hơn là “ham” trở thành cô giáo. Rất may là sau đó , tôi đã được đi trên cả hai con đường : biểu diễn và dạy học.
Chính vì thế mà song song với việc trau dồi thêm chuyên môn với Thầy Nguyễn Hữu Ba Thầy Vĩnh Bảo, Thầy Nguyễn Văn Thinh, và nhiều Thầy khác nữa trong đó có GS.TS.Thầy Trần Văn Khê, tôi đã xin được thọ giáo thêm Thầy Hùng Lân .
Nhờ có sự gợi ý và hướng dẫn tận tình của Thầy Hùng Lân, tôi đã soạn cuốn Phương Pháp Đàn tranh Còn nhớ lúc đưa bản thảo cho Thầy, tôi rất hồi hộp và lo lắng. Nhưng cảm động biết bao, chỉ qua ngày hôm sau, tôi nhận được những dòng chữ của Thầy : “ Cám ơn chú đã cho Thầy bánh mới ra lò , rất khen chú đã biết cách thức soạn bài. Tuy nhiên có vài tên bài chú viết “cóc đọc được”
Ảnh hưởng Thầy Hùng Lân đậm nét trên những trang sách của tôi . Chẳng hạn Thầy có bài : Đôi Chim Non – vừa xen kẽ lời ca vào nốt nhạc :
Do Mi Sol - Đôi Chim non / Mi Sol Mi Đang bay thi / Mi Do Sol Cùng ca hát / Sol Mi Do Ngoài bờ hồ.
Bắt chước Thầy , tôi cũng viết bài : Nào cùng ca lên Hò Xừ Sang / Nào cùng ca lên Sàng Xê Cống / Nhớ hát to lên Líu công Xê / Nhớ vỗ tay theo Cống xê xang.
Thầy là người đầu tiên soạn "Sách giáo khoa"sách dạy âm nhạc trong nhà trường. Noi gương Thầy tôi cũng soạn bộsách giáo khoa cho đàn Tranh .
Vì biết rằng sức phổ biến của Truyền Thanh,Truyền hình rất mạnh, Thầy đã xây dựng nhiều chương trình như Đố vui để học , Nền Ca nhạc thiếu nhi tại Việt nam, Đố vui nông thôn , Tìm Hiểu Dân Nhạc Việt Nam ….trên đài truyền thanh và truyền hình
Tâm đắc với việc làm của Thầy, tôi cũng thực hiện nhiều chương trình dạy hát dân ca cho thiếu nhi, nhiều tiết mục ca múa nhạc dân tộc trên đài truyền thanh và truyền hình do CLB. Tiếng Hát Quê Hương thực hiện.
Cùng một tâm nguyện với Thầy trong quan điểm Dạy là để trao truyền cho thế hệ sau , tôi luôn ôn lại những cuốn sách trong Tủ Sách Giáo Dục Tân Tiến do Thầy biên soạn với mục đích là giúp người học phát triển khiếu Thẩm Mỹ Âm Nhạc, Dùng Nghệ Thuật để Chinh Phục Kỹ Thuật. sao cho trở thành người nghệ sĩ chân chính.
Kính thưa Quí Vị,
Bên cạnh hình ảnh nhà mô phạm mẫu mực là Thầy Hùng Lân, tôi cũng xin phép được nhắc tới một hình ảnh rất đẹp của người phụ nữ VN, đó là Cô Hùng Lân. Những lần được trò chuyện cùng Cô, được nghe Cô kể, hoặc các con Thầy Cô kể lại , tôi rất khâm phục về sự hy sinh , can đảm và đảm đang của.Cô. Có một lần vì tinh nghịch, Huy Linh –con trai duy nhất của Thầy- chơi bắn thun vô ý bị cọng thun bay vô mắt.. Cô vội vàng ôm con tạt qua Sở Công Chánh (Cô là điện thoại viên của Sở) xin phép nghỉ rồi tức tốc bồng con vào bệnh viện để Bác sĩ gắp cọng thun ra, băng mắt lại sau đó bồng con về !
Đôi lần “vượt cạn” Cô cũng tự dàn xếp với nhà Hộ Sinh . chờ đến khi sắp chuyển dạ mới một mình đi tới sanh.! Trong nhà, Cô tự tay may quần áo cho con cái, kể cả áo dài đi học của các em. Ngoài ra, Cô rất chú trọng trong việc dạy dỗ con gái về bổn phận của người phụ nữ trong gia đình : phải biết nấu ăn, nhà cửa phải sạch sẽ ngăn nắp, ăn nói - đi đứng phải nhẹ nhàng phép tắc, khi lấy chồng phải biết nhẫn nhịn thì gia đình mới hạnh phúc.
Thật cảm động khi nghe lời tâm sự của Hồng Lãng- con gái thứ năm của Thầy- “Ảnh hưởng di truyền bệnh suyễn của ba mà người bị nặng nhất là em và anh Huy Linh ..có những lúc lên cơn suyễn khó thở mẹ phải bế suốt đêm. Hoặc có những lúc em thì bị suyễn, Diệu Anh thì sốt ho … mà trẻ con khi bệnh thì hay khóc quấy … lúc đó ba em ở dưới nhà đang làm việc nên để giữ yên lặng mẹ phải cố dỗ hoặc phải bế ra ngoài đường để ba làm việc, dù trời tối.”
Thật cảm phục biết bao trước sự hy sinh thầm lặng của Cô, chỉ với mục đích duy nhất : để Thầy yên tâm sáng tác. Sự hy sinh của Cô đã được đền đáp khi hơn 900 tác phẩm của Thầy ra đời, trong đó rất nhiều tác phẩm được giải thưởng cao như “Rạng đông" ( giải thưởng của Hội Khuyến học Hà Nội năm 1943).. bài hát “Việt Nam minh châu trời đông”, (giải nhất kỳ thi Âm nhạc Toàn quốc năm 1944) , Sách Giáo khoa âm nhạc (giải thưởng Bộ Quốc gia Giáo dục "Việt Nam Cộng Hòa"> Việt Nam Cộng Hoà năm 1952 ) , Sách Tìm hiểu dân ca Việt Nam (giải nhất Biên khảo Nghệ thuật năm 1972 ) cùng nhiều ca khúc nổi tiếng như : Khỏe vì Nước, Cô gái Việt, Hè về, Em yêu ai, Thằng Tý Sún, Con cò v…v….
Thầy cũng chính là người đã viết lời Việt cho bài "Silent Night" nổi tiếng với tên "Đêm thánh vô cùng"
Kính thưa Quí Vị,
Thật không thể nào kể hết được những đóng góp to lớn củaThầy Hùng Lân cho nền Âm nhạc VN., cũng như không thể nào bầy tỏ hết được sự ngưỡng mộ , kính mến của mọi người dành cho Thầy.
Trong buổi lễ Tưởng Niệm trang nghiêm và tràn đầy tình cảm này, em xin phép được ngắn gọn một câu : Em rất hãnh diện được là học trò của Thầy Hùng Lân.
TP. Hồ Chí Minh, 16/9/2012
Nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét