Chủ Nhật, 30 tháng 9, 2012

Hùng Lân "Đêm Thánh Vô Cùng" - Nguyễn Bách


Mặc dù trong số báo “Tuổi Trẻ Chủ Nhật”, số Tất Niên 2001 chúng tôi đã có may mắn là người đầu tiên giới thiệu về Hùng Lân- một nhà sư phạm âm nhạc lớn của Việt Nam với độc giả cả nước sau năm 1975, nhưng chúng tôi vẫn luôn áy náy vì nhiều yếu tố khách quan, không giới thiệu được những nét độc đáo khác của người nghệ sĩ đa tài này, nhất là trong lãnh vực âm nhạc tôn giáo. Nhân dịp Giáng Sinh – mùa của âm nhạc thánh – gần đến, chúng tôi xin được giới thiệu với qúy độc giả về Hùng Lân – tác giả của lời Việt tuyệt vời cho bài thánh ca Giáng sinh bất hủ: Đêm thánh vô cùng(Stille Nacht, Heilige Nacht hay Silent Night, Holy Night).

Tiểu sử:
Hùng Lân (tên thật là Hoàng Văn Hương sinh ngày 23/6/1922 tại phố Phủ Doãn (Hà Nội), là người con thứ tư trong số 11 người con của ông Hoàng Văn Thiện lập gia đình với bà Nguyễn Thị Nhạ, người Phủ Lý (Hà Nam).

Từ năm  8 tuổi, Hùng Lân học ở trường tiểu học Gendreau (năm 1950 đổi tên thành Dũng Lạc, hiện nay là trường Hoàn Kiếm, phố Nhà Chung, Hà Nội) và trường các Sư Huynh Dòng La-san Puginier. Ở đó, ông bắt đầu học nhạc với Lm. P. Dépaulis và được tuyển vào ban hợp xướng của nhà thờ lớn Hà Nội. (Một cách tiếp xúc ban đầu với âm nhạc thường gặp ở các nhà soạn nhạc của âm nhạc kinh điển trên thế giới). Từ 1934 đến 1945, Hùng Lân tiếp tục học nhạc với Lm J.Bouis tại chủng viện Hoàng Nguyên, rồi sau đó là đại chủng viện Xuân Bích (Saint Sulpice). Liên tiếp trong hai năm 1945 - 46, thân mẫu rồi đến thân phụ của Hùng Lân qua đời. Đây là nguyên nhân chính khiến Hùng Lân rời bỏ việc học ở đại chủng viện để có điều kiện lo lắng cho cả nhà vì ông là chỗ dựa của gia đình lúc bấy giờ, khi các em còn nhỏ. Bút hiệu “Hùng Lân” được ghép từ hai  tên của người em thứ năm và thứ tám của ông cho thấy Hùng Lân rất thương yêu các em mình. Ngoài bút hiệu này, trong lãnh vực thánh ca ông còn dùng tên hiệu: “Nam Hoa”, “Lâm Thanh” cho các sáng tác của mình.

Khoảng 1930 -1940, trong các nhà thờ chỉ hát những bài La-tinh trong sách Paroissien Romain và các bài hát tiếng  Pháp trong Cantique de la Jeunesse. Họa may một số bài được dịch sang tiếng Việt, nhưng vẫn theo nốt nhạc Tây. Đã đến lúc phải sáng tác những bài hát Việt Nam. Hùng Lân và nhóm sinh viên đại chủng viện Xuân Bích Hà Nội đã nghĩ đến việc sáng tác những bài thánh ca Việt Nam theo thể loại mới. Từ đó, vào tháng 7 năm 1945, Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh được thành lập, do ông làm Đoàn trưởng. Tính đến năm 1974, nhạc đoàn này đã xuất bản 16 tuyển tập thánh ca của nhiều tác giả mang nhan đề chung: Cung Thánh. Riêng Hùng Lân còn cho xuất bản 3 tập thánh ca  Ca Vang Lời Chúa 1, 2, 3.

Hùng Lân dạy học ở trường Kẻ Giảng (Kẻ Sở - tức Ninh Phú, cách Phủ Lý chừng 5, 6 cây số). Trong nhà thờ vùng đó, có một cây quản cầm (harmonium) rất tốt. Đó chính là người bạn thân của Hùng Lân trong suốt hai năm 1945 - 1946 và là nơi ông khai sinh ra nhiều bài hát nổi tiếng khác. Có lẽ hoàn cảnh lúc này của Hùng Lân có nhiều điểm giống với thầy giáo nhạc sĩ Franz Xaver Gruber (1787-1863, người Áo), đồng tác giả với cha xứ Joseph Mohr của bài hát giáng sinh nổi tiếng nhất thế giới: Stille Nacht, Heilige Nacht (Silent Night, Holy Night), nên ông đã là người đầu tiên viết lời Việt cho bài ca Giáng sinh đó, dưới tên gọi:  Đêm thánh vô cùng. Đây cũng là bài thánh ca tiếngViệt được nhiều người ngoại quốc hát, đặc biệt vào mỗi mùa Giáng sinh. Năm 1948, Hùng Lân dạy âm nhạc ở trường Chu Văn An (Hà Nội). Năm 1949, sách dạy âm nhạc khai tâm và sơ đẳng gồm hai tập, mang tên: Cây đàn sống được NXB Thế  giới, Hà Nội ấn hành. “Bộ sách giáo khoa âm nhạc cho lớp đệ Thất, đệ Lục, đệ Ngũ, đệ Tứ” (tức các lớp phổ thông cấp II ngày nay) cũng được  nhà xuất bản này cho ra đời trong năm 1952, 1953. Có thể nói ông là người đầu tiên soạn sách giáo khoa dạy âm nhạc trong nhà trường phổ thông.

Sau khi vào miền Nam, quê hương gốc của ông, năm 1956, Hùng Lân là một trong những người tham gia sáng lập Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn (hiện nay là Nhạc Viện TP. Hồ Chí Minh). Ở đó, năm 1957, ông được bổ nhiệm dạy về “nhạc Pháp” (tức Ký-xướng-âm). Sau khi tốt nghiệp Cử Nhân Giáo khoa Văn Chương Pháp ở Đại học Văn Khoa Sài Gòn (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn) vào năm 1963, Hùng Lân về làm việc tại Trung Tâm Học Liệu (trên đường Trần Bình Trọng). Năm 1965, ông được đề cử phụ trách khâu Phát thanh Học đường và đi tu nghiệp về Giáo dục và Truyền thanh tại đại học Syracuse, tiểu bang New York (Hoa kỳ) vào năm 1967 -1968. Sau khi trở về Việt Nam, ông chính là tác giả của chương trình “Đố vui để học” đầu tiên do Trung tâm Học liệu phát hình năm 1969 đến ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Hùng Lân còn đóng góp nhiều cho việc nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam qua công trình Tìm hiểu Dân ca Việt Nam được dùng để giảng dạy tại Viện Đại học Đà Lạt từ niên  khoá 1972-1973. Trong đó, có phần nghiên cứu độc đáo về “Âm nhạc trong tiếng rao hàng”. Cũng trong thời gian này, ông soạn cuốn Sư phạm Âm nhạc Thực hành dùng cho chương trình đào tạo các giáo viên tiểu học (cấp I). Ở miền Nam, ông còn cùng với linh mục nhạc sư  Tiến Dũng thành lập trường âm nhạc BACH (ít lâu sau đổi tên thành trường Suối Nhạc – không phải hệ thống trường Suối Nhạc ngày nay) để đào tạo các nhạc sĩ trẻ tuổi tại Sài Gòn. Những sáng tác của ông lúc này thấm nhuần âm điệu Việt Nam.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, Hùng Lân dạy nhạc tại tư gia trên đường Nguyễn Văn Thủ, Q. I, TP. HCM. Với tâm huyết của một nhà giáo, với lòng nhiệt thành và say mê âm nhạc của một nhạc sĩ - nghệ sĩ, ông vẫn âm thầm cống hiến cho nền giáo dục âm nhạc và âm nhạc dân tộc của đất nước. Báo Thanh Niên, số Cuối năm1989, tuần lễ từ 31/12/1989 đến 7/1/1990 đã ghi nhận như sau  trong mục ”Guinness Việt Nam, ở trang 2: “Người tham khảo tài liệu nhiều nhất để soạn nhạc lý, một trong những người đó là nhạc sĩ Hùng Lân (TP. HCM) đã tham khảo 77 tài liệu âm nhạc trong và ngoài nước (Liên Xô, Pháp, Bỉ, Mỹ, Úc, Philippine,…) để nghiên cứu đề xuất một phương pháp mới dạy nhạc cho thanh niên vào năm 1979”. Hùng Lân qua đời vào ngày 17/9/1986 vì trọng bệnh và tuổi già sức yếu trong niềm thương tiếc của gia đình, bạn hữu và nhiều thế hệ học trò. Ông để lại trên 900 tác phẩm âm nhạc bao gồm các sáng tác và biên soạn.

Ông là một trong những nhà sư phạm âm nhạc đầu tiên của nền Tân nhạc Việt Nam. Quả thật, đã có khá nhiều nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng đã từng học với Thầy Hùng Lân. Trong số đó: ca sĩ Hồng Vân, Quý Dương, Nhà giáo Ưu tú - nghệ sĩ đàn tranh Phạm Thúy Hoan,… Nhân dịp nghe Giáo sư - nhạc sĩ Hoàng Đạm giới thiệu về bản fugue 3 bè mới viết cho piano của mình, có tên:  Khát vọng, chúng tôi được nghe tâm sự: “Chủ đề của bài fugue này được lấy từ một giai điệu trong bài  Nguyện Xin mà tôi còn nhớ được trong những ngày theo học NS. Hùng Lân, người thầy âm nhạc đầu tiên của tôi, về môn Ký xướng âm tại Hội Khuyến nhạc Hà Nội. Đây cũng là lớp Ký xướng âm đầu tiên của Hội. Đó là một giai điệu đẹp nhất mà tôi được biết cho đến nay”. Hùng Lân chỉ huy ca đoàn Lộ Đức (Cầu Mới, Tân Định) tại nhà thờ Pha-xi-cô Đa-Kao. Cũng tại đây vào tháng 9 năm 1986, chúng tôi đã điều khiển ca đoàn này hát lễ an táng cho ông.

Về bài thánh ca bất hủ "Đêm thánh vô cùng":

Tuy có một số tác giả đã viết lời Việt cho bài thánh ca Giáng sinh tuyệt vời: Stille Nacht, heilige Nacht (Silent Night, Holy Night), nhưng Đêm Thánh vô cùng của Hùng Lân là hay nhất và được biết đến nhiều nhất, đối với người Việt Nam lẫn ngoại quốc. Cho đến nay người ta vẫn không tìm được thủ bản chính của bản thánh ca giáng sinhnày. Nhưng ai cũng biết rằng nó được sáng tác bởi 2 người bạn: linh mục Joseph Mohr và thầy dạy nhạc Franz Xaver Gruber ở một ngôi nhà thờ làng nhỏ bé vùng Salzburg (nước  Áo, trong lịch sử đã có thời thuộc Đức). Trong 10 năm sống tại Tây Đức, chúng tôi đã có cơ hội được sống và làm việc tại vùng Salzburg trong 3 tháng. Thời gian đó đủ để sưu tập được một số chi tiết mà trước đây mình chưa biết hoặc biết không đúng về sự ra đời của “Stille Nacht, heilige Nacht”

Bài hát này ra đời vào mùa Giáng sinh năm 1818 tại nhà thờ Thánh Nicolas thuộc làng Obendorf gần Salzburg sau khi cuộc chiến tranh của Napoléon đưa đến một trật tự mới cho châu Âu căn cứ theo Hội nghị Vienne. Nhà thờ này có cha Sở là linh mục Joseph Kessler, chứ không phải Joseph Mohr như người ta vẫn thường nói. Mohr là thầy sáu trong thời gian từ 1817 đến 1819. Lần đầu tiên bài hátđược vang lên trong thánh lễ đêm Giáng sinh năm đó. Thật ra, Gruber không chỉ viết bài thánh ca này theo lời thơ và đề nghị của thầy Sáu Joseph Mohr, bạn mình, mà ông đã viết trước đó, với lời ca khác, theo đề nghị của bạn bè và đồng nghiệp.Sau đó, ông mới sửa lại cho phù hợp với lời thơ của thầy sáu Mohr. Và, bản sau này đã được phổ biến nhanh chóng đi khắp nơi đến nay. Trong khoảng thời gian này, Mohr và Gruber đã trở thành đôi bạn thân thiết, có thể vì có điểm giống nhau: say mê âm nhạc. Mohr đã từng là thành viên trong ban hợp xướng và là tay đàn violon của Đại học Thần học Thánh Phê-rô. Gruber là thầy giáo dạy nhạc, nghệ sĩ đàn orgue cho nhà thờ Thánh Nicolas từ 1816 đến 1829.

Chỉ trước ngày 24 tháng 12 năm 1818 không lâu, Joseph Mohr đề nghị Franz Xaver Gruber sửa lại giai điệu cho thích hợp với lời thơ của mình để dùng bài hát trong việc mừng Đêm Thánh. Gruber đã soạn lại cho 2 giọng solo và hợp xướng với phần đệm bằng đàn guitar.

Sau lễ Giáng sinh năm đó, bài thánh ca này nhanh chóng được phổ biến ở nhiều nơi trên nước Đức và vượt biên giới nước này sang Mỹ, Anh, Na-Uy, v.v… Chúng tôi đã thu thập được hơn 30 bài thánh ca với 30 thứ tiếng địa phương khác nhau..

Như đã nói, có nhiều thủ bản của “Stille Nacht, Heilige Nacht” nhưng người ta vẫn xem bản viết ở cung Ré Trưởng, nhịp 6/8, có 6 lời, được viết vào năm 1818 là bản chính gốc.

Nguyễn Bách 

(Nguồn: Báo Âm Nhạc Việt Nam số 6-12/2009)

NSND Quý Dương nhớ tuổi trẻ, học đường…


Xin giới thiệu đôi lời tâm sự của người nghệ sĩ nổi tiếng này với những kỷ niệm khó phai  về tuổi thơ của ông ở trường Chu Văn An do đồng môn Nguyễn Lương Phán ghi lại. 



NSND Qúy Dương - bức ảnh do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chụp

Những năm tháng học tại trường Bưởi đã cho tôi biết rất nhiều thứ

Ngày xưa, vào đầu những năm 50, trường Bưởi lúc đó bị Tây chiếm, toàn bộ học sinh trường Chu Văn An thời bấy giờ phải học ở trường Đỗ Hữu Vị, Cửa Bắc. Nhà tôi ở Văn Miếu, cứ hàng ngày đi bộ qua Nguyễn Thái Học, Hoàng Diệu, rồi ra Cửa Bắc. Tôi nhớ nhất là kỷ niệm khi Tây rút đi, trả lại trường Bưởi, toàn bộ học sinh của trường Đỗ Hữu Vị kéo xe bò chở bàn ghế, bảng…từ trường Đỗ Hữu Vị sang trường Bưởi. Đó là một ngày rất vui. Tôi thuộc thế hệ học sinh chuyển giai đoạn đó của trường Chu Văn An. Tôi đã trải qua hai năm đệ tam và đệ nhị ở trường Bưởi. Đến năm 1954, khi tôi chuẩn bị chuyển sang học lớp đệ nhất thì hệ thống học mới của kháng chiến về, lớp đệ nhất đổi tên thành lớp 10.

Những năm tháng học tại trường Bưởi đã cho tôi rất nhiều thứ : Trình độ toán, vì tôi học lớp toán, trình độ tiếng Anh trình độ tiếng Pháp  và trình độ tổ chức cuộc sống. Ở thời của tôi, mọi người nói tiếng Anh và tiếng Pháp rất giỏi vì chúng tôi được học ngoại ngữ một cách quy củ. Mỗi tuần có tận 3 buổi học, Pháp văn và cũng ngần buổi học Anh văn. Chúng tôi học nghiêm túc đến nỗi, sau này, khi công tác tại nhà hát vũ kịch, khi tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài, tôi vẫn có thể trò chuyện với họ bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Tôi nhớ thầy giáo dạy tiếng Pháp của tôi lúc đó là thầy Hưởng và thầy Bách. Dạy tiếng Anh là thầy Tòng. Các thầy ấy bây giờ đều không còn nữa, nhưng tôi vẫn nhớ, vì các thầy dạy chúng tôi rất nhiệt tình và tâm huyết.

Rồi, cũng thật đáng nhớ, những ngày Thủ đô mới giải phóng, cứ thứ 7 hàng tuần, học sinh các trường ở Hà Nội nô nức đi lao động XHCN, công việc chủ yếu là đắp đường tại công trường Yên Phụ. Đối với tuổi trẻ học sinh Thành phố, lúc bấy giờ lao động XHCN là cuộc thi đua đầy hào hứng. Chúng tôi đẩy xe ba gác chuyển đất từ ngoài đê Yên Phụ vào đổ cơi nới cho đường Cổ Ngư chạy giữa Hồ Tây và hồ Trúc Bạch, xây dựng lên con đường Thanh Niên ngày nay. Đó còn là công viên Thống Nhất, hồ bảy mẫu… Tất cả những công trình đó đều in dấu và thấm mồ hôi của học sinh trường Bưởi.

Nhớ về trường Bưởi tôi nhớ nhất những hàng cây cổ thụ bóng lá xum xuê mà chúng tôi vẫn thường hay chơi đá cầu dưới tán lá xanh mát rượi. 

NSND Qúy Dương (thứ 2, phải sang) chụp ảnh cùng bạn bè


Tôi và anh Trần Hiếu là hai người bạn thân học chung một lớp 

Năng khiếu âm nhạc của tôi được phát triển từ hồi còn học ở Đỗ Hữu Vị, khi tất cả học sinh chúng tôi được học âm nhạc của thầy Hùng Lân, thầy Hùng Lân dạy rất hay, rất nhiệt tình, tận tụy. Một lớp của tôi những 50 học sinh, trong giờ giảng của mình, thầy giáo tuy không thể có thời gian dành riêng cho một học sinh, nhưng âm nhạc và những lời dạy của thầy cứ thấm dần vào tôi khiến tình yêu âm nhạc trong tôi ngày một lớn.

Thời đi học tôi và anh Trần Hiếu là hai người bạn thân. Vừa học cùng lớp, lại sẵn có khả năng âm nhạc, chúng tôi gắn bó với nhau suốt thời tuổi trẻ. Tôi còn nhớ, hồi học ở Đỗ Hữu Vị, trong trường có những học sinh kháng chiến. Họ hoạt động bí mật, rải truyền đơn. Thỉnh thoảng lại thấy có mật thám vào lớp bắt một vài học sinh. Tôi không hình dung được kháng chiến nó thực sự là thế nào, mà chỉ lơ mơ biết qua những hình ảnh như vậy. Đến khi chuyển sang trưởng Bưởi, tôi và Trần Hiếu được những sinh viên kháng chiến ấy cho gia nhập đoàn thanh niên cứu quốc. Chúng tôi đóng góp vào sự nghiên cứu quốc bằng cách hát những ca khúc Cách mạng. Tôi hay tham gia hát trong các buổi văn nghệ, hát đơn ca, hoặc là song ca với Trần Hiếu, hát những bài hát đầy khí thế thời bấy giờ như “Khi đi ta ở lại nhà”, “Đỉnh núi Lê Nin” … năm 54, tôi còn được tham gia hát chào đón đoàn giải phóng.

Thời trung học chuyên khoa, tại Hà Nội có ba trường lớn là trường Bưởi, trường Nguyễn Trãi, trường Trưng Vương. Trường Trưng Vương chỉ dành cho nữ sinh. Ba trường này hay có những hoạt động giao lưu với nhau, cứ thỉnh thoảng đến các dịp lễ, tết là tất cả những học sinh hay hát của ba trường lại hợp nhau thành một dàn đồng ca lớn. Tôi thường được cử làm chỉ huy đội đồng ca.

Sau đó, tôi, Trần Hiếu cùng một số người đã lập nên ban nhạc Tuổi xanh gồm khoảng 50 người, gồm những người yêu nhạc của ba trường Chu Văn An, trường Nguyễn Trãi, trường Trưng Vương, mỗi chiều chủ nhật lại họp nhau sinh hoạt tại số 5 Nguyễn Thượng Hiền. Ban nhạc Tuổi Xanh cùng nhau ngân nga các bài đồng ca, hòa bình ca… cũng là những vốn liếng đã học được dưới mái trường Chu Văn An. Ban nhạc Tuổi Xanh khi đó nổi tiếng đó nổi tiếng lắm, ai cũng biết. Bấy giờ các thành viên của ban nhạc tuổi xanh đều sấp xỉ 70, khi tôi vào Sài Gòn vẫn còn gặp lại một số người.Chúng tôi nhận ra nhau và trò chuyện rất vui vẻ như hồi nào.

Sau khi học xong cấp III Chu Văn An, tôi và anh Trần Hiếu rủ nhau thi vào trường âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Hà Nội). Chúng tôi cũng là những học sinh khóa đầu tiên của trường này, đã cùng nhau phấn đấu hết mình cống hiến cho sự nghiệp âm nhạc, sau này anh Hiếu vào Namnhưng chúng tôi vẫn giữ liên lạc thường xuyên. Điều đặc biệt là hai chúng tôi được phong Nghệ sĩ nhân dân vào cùng một ngày.

Có thể nói, tôi và anh Hiếu là hai người tương đối thành công trong lĩnh vực âm nhạc trong các lứa học sinh của trường Chu Văn An. 

Gặp lại thầy Hùng Lân 

Tôi có một kỷ niệm rất thú vị về thầy Hùng Lân. Năm 1954 thầy Hùng Lân chuyển vào sống tại miền Nam. 21 năm sau, tức là năm 1975, tôi vào Sài Gòn biểu diễn chào mừng Miền Nam Giải phóng, hôm đó, chúng tôi đang say sưa bài hát “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” tại sân khấu nhà hát Thành phố Sài Gòn thì bỗng thấy dáng ai như dáng thầy Hùng Lân ngồi ở hàng ghế khán giả, thứ 5, 6. Và ông già đeo kính ngồi đang trầm ngâm nghe nhạc đó theo suy đoán của tôi chính là thầy Hùng Lân chứ không phải ai khác. Đứng trên sân khấu nhìn thầy thật khó kìm được cảm xúc.

Khi buổi biểu diễn kết thúc tôi đi vòng xuống dưới, đón đầu đoàn người đi ra
Thấy thầy, tôi tiến đến chào và hỏi :” Thầy giáo có nhận ra em không ạ?”
Thầy lắc đầu : “Xin lỗi, tôi không nhận ra anh là ai cả”.
“Thầy ơi, em là học trò cũ của thầy, em trưởng thành được cũng là nhờ công lao thầy dạy dỗ!”
Thầy giáo mới hỏi địa chỉ của tôi. Một tuần sau, thầy đến chỗ tôi và tặng tôi một chồng sách về âm nhạc mà thầy vốn rất nâng nii, trân trọng, như vật báu bất ly thân.
Sau lần đó, tôi không có dịp gặp lại thầy. Bây giờ thì thầy đã mất rồi, tôi nghĩ, chắc thầy cũng rất tự hào khi biết mình đã đào tạo ra một học sinh “Cộng Sản” sau này trưởng thành đã có nhiều cống hiến đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà.

Bài “Khỏe vì nước” là một sáng tác của thầy Hùng Lân, sau này được dùng cho nhạc kèn trong các hoạt động thể thao của cả nước. Thầy mà biết chắc cũng tự hào lắm. Giờ đây, bài hát “ Hè về” lại được các cháu học sinh cất lên từ Nam chí Bắc, mỗi lần nghe, tất cả thế hệ chúng tôi không khỏi nhớ đến người thầy kính yêu - Nhạc sĩ Hùng Lân. 

NSND Quý Dương

Theo gương các thầy: Dạy hết mình 

Từng là giám đốc nhà hát vũ kịch Việt Nam, là giảng viên nhạc viện Hà Nội, tôi đã dạy rất nhiều thế hệ học sinh. Có những người đã trưởng thành, NSND như Doãn Tần, Trung Đức. Có những người đã là NSƯT, hay những người dù chưa được làm NSƯT nhưng cũng rất giỏi, học trò của tôi đều yêu quý tôi, và tôi cũng vậy. Bởi tôi tâm niệm, dạy là phải hết mình, dạy nhiệt tình và bằng hết tấm lòng của mình.

Ngày 20/11 năm nào cũng vậy, học sinh đến thăm tôi rất đông. Có những học trò của tôi chỉ là những người công nhân bình dị. Họ yêu âm nhạc nhưng không đi theo con đường nghệ thuật. Tôi vẫn dạy nhạc cho họ như dạy cho các học trò khác của mình. Và  họ rất yêu quý tôi. Thỉnh thoảng, họ vẫn đến nhà thầy giáo chơi. Tôi cảm thấy rất quý cái tình cảm chân thành đó.

Nhờ được học những thầy cô giáo tốt mà học sinh trường Chu Văn An thành đạt rất nhiều. Trường Chu Văn An đã sản sinh ra nhiều người tài cống hiến cho đất nước trong nhiều lĩnh vực.

Khóa Chu Văn An của tôi năm nào giờ vẫn giữ mối liên lạc thường xuyên với nhau, chúng tôi chụp ảnh cùng nhau, vừa lập cả danh sách ghi tên, địa chỉ, số điện thoại, của từng người. Cũng được khoảng 60 người. Năm nào cũng thế, cứ chủ nhật đầu tiên sau tết là chúng tôi lại tụ tập tại nhà một người nào đó. Nhưng mỗi năm lại nghe tin một, hai người vừa rời xa chúng tôi, xa cõi đời này….

Nguyễn Lương Phán

(Nguồn:  http://dantri.com.vn/su-kien/nsnd-quy-duong-nho-tuoi-tre-hoc-duong-494601.htm)

Thứ Năm, 27 tháng 9, 2012

Một số hình ảnh lễ tưởng niệm nhạc sĩ Hùng Lân ngày 16/09/2012 tại nhà thờ Phanxico Đakao - Sài Gòn, Việt Nam

Hình số 1: Bắt đầu Thánh lễ

Hình số 5: Bài giảng Cha Gioan Cao

Hình số 3+ 4 Dâng lễ

Hình số 3+ 4 Dâng lễ


Hình số 9: Ca đoàn Quê Hương hát bài Cao Vời Khôn Ví

Hình số 10: Ban Hợp Xướng Trùng Dương hát bài Khỏe vì nước
Hình số 8: Gia đình Hùng Lân hát bài Mẹ là Mùa Xuân


Hình số 11: Phát biểu của LM Andre Đỗ Xuân Quế

Hình số 12: Phát biểu của Sr. Myriam Nguyệt


Hình số 13: Phát biểu của cha: Roco Nguyễn Duy, cha Ngô Quang Tuyên. Cha Tiến Lộc, Cha Xuân Thảo.

Hình số 14: Phát biểu của Nghệ sĩ ưu tú Phạm Thúy Hoan


Hình số 7: Ca đoàn Thiện Chí hát bài Việt nam Minh Châu Trời Đông


Hình số 15 + 16: Gia đình nhạc sĩ Hùng Lân chụp với các linh mục, các ca đoàn


Hình số 15 + 16: Gia đình nhạc sĩ Hùng Lân chụp với các linh mục, các ca đoàn 


Hình số 6: Gia đình Hùng Lân chụp với các cha













Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Phát biểu của nghệ sĩ ưu tú Phạm Thuý Hoan trong Lễ tưởng niệm 16/09/2012

  Kính thưa
Quý Cha, Quý Soeur, Quí vị và các bạn thân mến,

Thật là một vinh dự cho chúng tôi được kể về những kỷ niệm và những cảm xúc của mình trong  buổi lễ Tưởng niệm GS. Hùng Lân, vị Thầy đáng kính của chúng ta .

Thưa Quí Vị,Khi còn là nhạc sinh của trường QG.ÂN/KN Saigon, tôi đã được học môn Ký Xướng Âm với Thầy Hùng Lân. Thú thật là khi thấy tên mình trong danh sách học với Thầy thì ai cũng xanh mặt hết, bởi vì nghe nói Thầy khó tính lắm. Chúng tôi vào lớp mà cứ chí chóe dành nhau ngồi bàn chót. Tới khi Thầy bước vào, lập tức có 1 màn chỉ định “ Chú này nhỏ con, lên bàn đầu, chú này cận thị, ngồi bàn này, chú này to con, ngồi chỗ này Chúng tôi bật cười vì bỗng dưng trở thành các “chú” hết,…Rồi Thầy dặn dò chúng tôi những điều cần thiết khi vào lớp…..

Thầy nói nhẹ nhàng, dứt khoát , đôi lúc cũng pha trò làm chúng tôi toét miệng cười, hết sợ luôn !!!!. Những ngày sau đó, chúng tôi nhận ra rằng Thầy không hề khó tính nếu học trò thuộc bài , làm bài đầy đủ, nhưng Thầy cực kỳ khó tính khi học trò  không thuộc bài hoặc viết nốt nhạc cẩu Thấm thoắt đã tới ngày ra trường., khi biết tin tôi đã tốt nghiệp Thầy nói “chúc mừng chú đã đậu thủ khoa đàn Tranh, lại còn được Huy Chương vàng nữa, đáng khen.” Một năm sau tôi Tốt nghiệp môn Sư Phạm Âm nhạc, Thầy khen rất nồng nhiệt “ Thầy biết ngay mà, trong thời gian học với Thầy, chú có tố chất của người dạy học. Chú dạy học sẽ rất thành công đấy. Thầy rất hãnh diện và khen chú đã đậu thủ khoa” . Tôi rất sung sướng với lời khen của Thầy nhưng cũng rất lo lắng vì lúc đó tôi “ham” biểu diễn hơn là “ham” trở thành cô giáo. Rất may là sau đó , tôi đã được đi trên cả hai con đường : biểu diễn và dạy học.

Chính vì thế mà song song với việc trau dồi thêm chuyên môn với Thầy Nguyễn Hữu Ba  Thầy Vĩnh Bảo, Thầy Nguyễn Văn Thinh, và nhiều Thầy khác nữa trong đó có GS.TS.Thầy Trần Văn Khê,  tôi đã xin được thọ giáo thêm Thầy Hùng Lân .

Nhờ có sự gợi ý và hướng dẫn tận tình của Thầy Hùng Lân, tôi đã soạn cuốn Phương Pháp Đàn tranh  Còn nhớ lúc đưa bản thảo cho Thầy, tôi rất hồi hộp và lo lắng. Nhưng cảm động biết bao, chỉ qua ngày hôm sau, tôi nhận được những dòng chữ của Thầy : “ Cám ơn chú đã cho Thầy bánh mới ra lò , rất khen chú đã biết cách thức soạn bài. Tuy nhiên có vài tên bài chú viết “cóc đọc được”

Ảnh hưởng Thầy Hùng Lân đậm nét trên những trang sách của tôi . Chẳng hạn Thầy có bài : Đôi Chim Non – vừa xen kẽ lời ca vào nốt nhạc :
 Do Mi Sol - Đôi Chim non / Mi Sol Mi Đang bay thi / Mi Do Sol Cùng ca hát / Sol Mi Do Ngoài bờ hồ.

Bắt chước Thầy , tôi cũng viết bài : Nào cùng ca lên Hò Xừ Sang / Nào cùng ca lên Sàng Xê Cống / Nhớ hát to lên Líu công Xê / Nhớ vỗ tay theo Cống xê xang.

Thầy là người  đầu tiên soạn "Sách giáo khoa"sách dạy âm nhạc trong nhà trường. Noi gương Thầy tôi cũng soạn bộsách giáo khoa cho đàn Tranh .

Vì biết rằng sức phổ biến của Truyền Thanh,Truyền hình rất mạnh, Thầy đã xây dựng nhiều chương trình như Đố vui để học , Nền Ca nhạc thiếu nhi tại Việt nam, Đố vui nông thôn , Tìm Hiểu Dân Nhạc Việt Nam ….trên đài truyền thanh và truyền hình

Tâm đắc với  việc làm của Thầy, tôi cũng thực hiện nhiều chương trình dạy hát dân ca cho thiếu nhi, nhiều tiết mục ca múa nhạc dân tộc trên đài truyền thanh và truyền hình do CLB. Tiếng Hát Quê Hương  thực hiện.

Cùng một tâm nguyện với Thầy  trong quan điểm  Dạy là để trao truyền cho thế hệ sau  , tôi luôn ôn lại những cuốn sách trong Tủ Sách Giáo Dục Tân Tiến do Thầy biên soạn với mục đích là giúp người học phát triển khiếu Thẩm Mỹ Âm Nhạc, Dùng Nghệ Thuật để Chinh Phục Kỹ Thuật. sao cho trở thành người nghệ sĩ chân chính.

Kính thưa Quí Vị,

Bên cạnh hình ảnh nhà mô phạm mẫu mực là Thầy Hùng Lân, tôi cũng xin phép được nhắc tới một hình ảnh rất đẹp của người phụ nữ VN, đó là Cô Hùng Lân. Những lần được trò chuyện cùng Cô, được nghe Cô kể, hoặc các con Thầy Cô kể lại , tôi rất  khâm phục về sự hy sinh , can đảm và đảm đang của.Cô.  Có một lần vì tinh nghịch, Huy Linh –con trai duy nhất của Thầy- chơi bắn thun vô ý bị cọng thun bay vô mắt.. Cô vội vàng ôm con tạt qua Sở Công Chánh (Cô là điện thoại viên của Sở) xin phép nghỉ rồi tức tốc bồng con vào bệnh viện để Bác sĩ gắp cọng thun ra, băng mắt lại sau đó bồng con về ! 

Đôi lần “vượt cạn” Cô cũng tự dàn xếp với nhà Hộ Sinh . chờ đến khi sắp chuyển dạ mới một mình đi tới sanh.!  Trong nhà, Cô tự tay may quần áo cho con cái, kể cả áo dài đi học của các em. Ngoài ra, Cô rất chú trọng trong việc dạy dỗ con gái về bổn phận của người phụ nữ trong gia đình : phải biết nấu ăn, nhà cửa phải sạch sẽ ngăn nắp, ăn nói - đi đứng phải nhẹ nhàng phép tắc, khi lấy chồng phải biết nhẫn nhịn thì gia đình mới hạnh phúc.

Thật cảm động khi nghe lời tâm sự của Hồng Lãng- con gái thứ năm của Thầy- “Ảnh hưởng di truyền bệnh suyễn của ba mà người bị nặng nhất là em và anh Huy Linh ..có những lúc lên cơn suyễn khó thở mẹ phải bế suốt đêm. Hoặc có những lúc em thì bị suyễn, Diệu Anh thì sốt ho … mà trẻ con khi bệnh thì hay khóc quấy … lúc đó ba em ở dưới nhà đang làm việc nên để giữ yên lặng mẹ phải cố dỗ hoặc phải bế ra ngoài đường để ba làm việc, dù trời tối.”

Thật cảm phục biết bao trước sự hy sinh thầm lặng của Cô, chỉ với mục đích duy nhất : để Thầy yên tâm sáng tác.  Sự hy sinh của Cô đã được đền đáp khi hơn 900 tác phẩm của Thầy ra đời, trong đó rất nhiều tác phẩm được giải thưởng cao như “Rạng đông" ( giải thưởng của Hội Khuyến học Hà Nội năm 1943).. bài hát “Việt Nam minh châu trời đông”, (giải nhất kỳ thi Âm nhạc Toàn quốc năm 1944) , Sách Giáo khoa âm nhạc (giải thưởng Bộ Quốc gia Giáo dục "Việt Nam Cộng Hòa"> Việt Nam Cộng Hoà năm 1952 ) , Sách Tìm hiểu dân ca Việt Nam (giải nhất Biên khảo Nghệ thuật năm 1972 ) cùng nhiều ca khúc nổi tiếng như : Khỏe vì Nước, Cô gái Việt, Hè về, Em yêu ai, Thằng Tý Sún, Con cò  v…v….

Thầy cũng chính là người đã viết lời Việt cho bài "Silent Night" nổi tiếng với tên "Đêm thánh vô cùng" 

Kính thưa Quí Vị, 

Thật không thể nào kể hết được những đóng góp to lớn củaThầy Hùng Lân cho nền Âm nhạc VN., cũng như không thể nào bầy tỏ hết được sự ngưỡng mộ , kính mến của mọi người dành cho Thầy. 

Trong buổi lễ Tưởng Niệm trang nghiêm và tràn đầy tình cảm này, em xin phép được ngắn gọn một câu :  Em rất hãnh diện được là học trò của Thầy Hùng Lân.

TP. Hồ Chí Minh, 16/9/2012
Nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan

Thứ Ba, 18 tháng 9, 2012

Tưởng niệm Nhạc sĩ Hùng Lân - Trầm Thiên Thu


Tưởng niệm Nhạc sĩ Hùng Lân

TGP. SAIGON – 9 giờ 30 sáng Chúa Nhật, 16-9-2012, tại Nhà thờ Phanxicô (50 Nguyễn Đình Chiểu, P. Đakao, Q. 1, Saigon) đã diễn ra Thánh lễ tưởng niệm cố NS. Hùng Lân và chương trình “Sáu Mươi Năm Ngợi Ca Thiên Chúa” của người nhạc sĩ Công giáo tài hoa này.

Thánh lễ đồng tế gồm các Linh mục Đỗ Xuân Quế (chủ tế), Trần Thanh Cao (Gx. Đồng Tiến), Phạm Văn Bình, Lê Quang Uy (DCCT), Tiến Lộc (DCCT), Nguyễn Duy (TTMV. TGP. Saigon), Nguyễn Văn Tuyên và Xuân Thảo (Dòng Phanxicô). Tham dự Thánh lễ còn có Lm. Nguyễn Văn Minh (Gx. Hiển Linh), các nhạc sĩ trong Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh, các thi hữu Đồng Xanh thơ Saigon, cùng quý tu sĩ, nghệ sĩ, thân nhân và quý khách.

Trong bài giảng, Lm. Trần Thanh Cao sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp của NS. Hùng Lân: “Lúc sinh thời, NS. Hùng Lân lo cho tiền đồ của nền âm nhạc và thánh nhạc Việt Nam. Ông cũng là một cây đa, cây đề trong giới nhạc sĩ của Việt Nam, nhưng tiếc rằng chưa có cuộc hội thảo nào về NS. Hùng Lân. Cuộc đời ông âm thầm như một dấu lặng định mệnh. Trong âm nhạc, dấu lặng để nghỉ và chuyển tiếp sau câu nhạc khác, nhưng dấu lặng luôn quan trọng, cũng như bè trầm quan trọng trong ban hợp xướng. Phúc Âm hôm nay nói về việc từ bỏ mình. Từ bỏ mình không là huỷ hoại mình mà là bỏ tính ích kỷ để có cái tâm sáng. Không chỉ từ bỏ mình mà còn phải vác thập giá, là hy sinh, là phục vụ, là yêu thương, vậy mới có thể theo Chúa. Đau khổ rất giá trị. NS. Hùng Lân không chỉ có chuyên môn về âm nhạc, ông còn biết sâu sắc về văn hoá và có lòng yêu nước. Thánh Inhaxiô Antiôkia nói rằng Thiên Chúa là Đấng vô cùng trầm lặng. NS. Hùng Lân đã từng ăn cơm Nhà Chúa nên ông vẫn có nét tu trong cuộc sống: Âm thầm theo Chúa”.

Thật vậy, bài thánh ca “Một Sợi Tơ Vàng” được ông viết bằng giai điệu đẹp với ca từ là thể thơ lục bát (thơ đặc trưng Việt Nam) nhẹ nhàng mà thâm thuý:

Con như một sợi tơ vàng
Mong manh hạt bụi trên (cây) đàn thiên nhiên
Mỗi lần Chúa đặt tay lên
Hồn con run rẩy khúc huyền dâng ca.

Các bài thánh ca của ông có giai điệu giản dị, dễ nhớ, dễ phổ biến, nhưng ca từ của ông rất sâu sắc. Ông còn viết lời việt cho bài thánh ca nổi tiếng mà mùa Giáng sinh nào cũng được sử dụng, đó là bài Đêm Thánh Vô Cùng (Đức ngữ là “Stille Nacht, Heilige Nacht”, Anh ngữ là “Silent Night, Holy Night”).

Thánh lễ hôm nay sử dụng các bài thánh ca của NS. Hùng Lân: Lên Núi Sion (nhập lễ, Tv 41), Chúa Giải Thoát Isarel Ra Khỏi Ai Cập (đáp Ca, Tv 114), Dâng Hồn Xác (dâng lễ), Một Sợi Tơ Vàng (hiệp lễ), Kính Chào Đức Nữ Vương (kết lễ). Ca đoàn là Ban Hợp xướng Trùng Dương.

Sau Thánh lễ là phần giao lưu. Dẫn chương trình là Lm. Tiến Lộc (DCCT). Trong buổi giao lưu còn có phần phát biểu của Lm. Anrê Đỗ Xuân Quế, Nữ tu Myriam Nguyệt (Dòng Thánh Vinh Sơn, 42 Tú Xương), Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê, và nghệ sĩ ưu tú Phạm Thuý Hoan.

Phần giao lưu có phát thanh các bài Thắp Ngọn Nến Hồng, Duyên Tình Miền Nam (Ban Gió Khơi), Non Nước, Hoan Ca Phục Sinh, Bài Ca Vạn Vật (lời của Thánh Phanxicô Assisi), Thằng Tí Sún, Em Yêu Ai, Rước Đèn Trung Thu; ca đoàn Quê Hương trình bày Đồng Cỏ Tươi (Tv 22) và Cao Vời Khôn Ví; ca đoàn Thiện Chí trình bày ca khúc Việt Nam Minh Châu trời Đông (Giải Nhất kỳ thi Âm nhạc Toàn quốc, Hà Nội - 1944) và Tôi Không Còn Cô Đơn; gia đình Hùng Lân trình bày ca khúc Mẹ Là Mùa Xuân và Xuân Tạ Ơn; ban hợp xướng Trùng Dương trình bày ca khúc Tiếng Gọi Lên Đường, Rạng Đông (Giải thưởng Sáng tác Hội Khuyến nhạc Hà Nội - 1943), Khoẻ Vì Nước, và Hè Về.

Ngoài ra, ông còn có bài hợp xướng Trường Ca Phục Sinh và nhiều bài thánh ca quen thuộc, kể cả một số ca khúc đời như Hận Trương Chi, Sầu Lữ Thứ,... và ca khúc thiếu nhi như Ông Ninh Ông Nang, Chúc Tết,...

NS. Hùng Lân đã biên soạn các tác phẩm như Sách Giáo Khoa Âm Nhạc (Giải thưởng Bộ Quốc gia Giáo dục (1952), Nhạc Lý Toàn Thư (1960), Hỏi và Đáp Nhạc Lý (1964), Sư Phạm Âm Nhạc Thực Hành (tập 1 - 1974), Vui Ca Lên (tập 1 và 2 - 1973), Vui Ca Học Đường (Chương trình Phát thanh Học đường - 1975), Xướng Nhạc (Tập 1 và 2), Thuật Sáng Tác Ca Khúc (1977), và 100 bài soạn cho Orgue (phong cầm) hoặc để độc tấu hoặc đệm cho các ca khúc của ông.

Công trình khảo cứu âm nhạc của ông gồm: Nhạc Ngữ Việt Nam (1971), Tìm Hiểu Dân Ca Việt Nam (1971 - Giải nhất Biên khảo Văn học Nghệ thuật 1972), Nhạc Hoà âm và Nhạc Đơn điệu (Sơ lược về Nhạc ngữ Tây phương và Việt Nam) - 1964), và Nhạc Lý Tân Biên (Di cảo 1975-1986).

NS. Hùng Lân (1922-1986) sinh tại Hà Nội, tên thật là Phêrô Hoàng Văn Hương, với các bút hiệu khác là Nam Hoa và Lâm Thanh. Ông từng tham gia Ban Sáng lập và Ban Giám đốc trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Saigon, đồng thời từng làm chủ sự Phòng Phát thanh Học đường tại Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục Saigon.

Với kiến thức thần học sở đắc tại Đại Chủng viện Xuân Bích (Hà Nội), NS. Hùng Lân lãnh trách nhiệm chính trong phong trào nhạc phụng vụ và giáo ca bằng Việt ngữ, Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh được thành lập vào tháng 7-1945 tại Sở Kiện (tỉnh Hà Nam cũ), ông là nhạc đoàn trưởng tiên khởi. Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh đã xuất bản nhiều tuyển tập của nhiều tác giả với tựa đề chung là Cung Thánh. Ông cũng đã xuất bản 3 tập nhạc với tựa đề Ca Vang Lời Chúa 1, 2 và 3. Được biết ông còn 80 bài ứng tác Thánh vịnh chưa xuất bản.

Tôi may mắn được là học trò của ông một thời gian về xướng âm, hoà âm, điều khiển, hợp xướng và piano. Thêm một chút may mắn khác là tôi còn được ông “ngó chừng” và tâm sự vài điều. Ông kể rằng…

Ông được đi tu nghiệp ở ngoại quốc một thời gian. Khi tu nghiệp xong, trước ngày về chỉ một tuần, một bên tai ông có triệu chứng “miễn âm”, tức là triệu chứng điếc. Ông điều trị ở một bệnh viện của một nhà dòng. Họ “lật” vành tai ra rồi vá màng nhĩ kiểu như “vá xe đạp” vậy. Ông nói rằng bên tai được “vá” lại nghe tốt hơn bên tai kia. Lạ thật! Còn về bút hiệu Hùng Lân, ông nói đó là ông ghép tên của hai người anh của ông đã chết trong chiến tranh, cũng là để ông tưởng nhớ song huynh của ông.

NS. Hùng Lân không chỉ cầu nguyện bằng âm nhạc mà ông còn giúp nhiều người cùng cầu nguyện bằng âm nhạc, mà “hát là cầu nguyện hai lần” (Thánh Augustinô), chắc chắn Thiên Chúa nhân từ đã thưởng công cho ông rồi.

Thom. Aq. TRẦM THIÊN THU (Học trò của Nhạc sư Hùng Lân)

Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2012

[Video] Lễ Tưởng Niệm ngày 16.09.2012

Lễ Tưởng Niệm Nhạc sĩ Hùng Lân, Chúa Nhật ngày 16.09.2012 
tại Nhà thờ Phanxicô Dakao, Sài Gòn.










Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Thân Thế và Sự Nghiệp của NS. Hùng Lân trên truyền thông

  
1. Đài tiếng nói nhân dân Tp HCM (VOH):
 Sau đó vào : ====> Nghe âm thanh, ====> Tác giả & Tác phẩm.
Hoặc vào trực tiếp:
 
 
 2. Bài đọc về tiểu sử của NS. Hùng Lân và bài hát "Thắp Ngọn Nến Hồng" bắt đầu ở phút thứ 54 của chương trình ASTM.

Chúa Nhật 24 Thường Niên năm B (16 tháng 9, 2012), Chương Trình Ánh Sáng Tin Mừng (ASTM) có phát thanh về thân thế và sự nghiệp của NS. Hùng Lân nhân ngày kỷ niệm 26 năm lễ Giỗ của NS. (17 tháng 9).  Chương trình phát thanh ASTM sẽ đưa lên đài Việt Nam Tiếng Nói Hải Ngoại để phát thanh vào tối thứ Bảy (15 tháng 9) trên các khắp các Tiểu Bang Hoa Kỳ.  Chương trình hàng tuần của ASTM cũng được đưa lên Internet ở các Trang Nhà Việt Catholic, ThanhLinh.net, Simonhoadalat, ThuVienVietNam, Đồng Hành, v..v..

Dưới đây là Link để nối kết vào Trang Nhà của chương trình phát thanh Ánh Sáng Tin Mừng

Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Thư gửi Thầy - Phương Oanh.

Paris, ngày 7 tháng 9 năm 2012

                Kính thưa Thầy,

Thời gian trôi qua thật nhanh, mặc dù đã trưởng thành, con vẫn luôn ghi nhớ và noi gương Thầy trong những lúc dạy học, giống như ngày xưa lúc con còn được là học trò  của Thầy trong  lớp ký âm pháp ở nhạc viện Saigon.

Trong 6 năm liên tiếp được học với Thầy, con đã thấm nhiễm cách làm việc quy cũ của Thầy, nhất là cách đối xử với học trò thật nghiêm đã cho con một phương pháp làm việc rất có hiệu quả khi vào đời.

Thầy đã tận tâm dạy bảo, trao truyền cho học trò hết những gì Thầy có thể cho, để vốn liếng mình có, có thể xử dụng khi làm việc trong tương lai. 

Sau khi ra trường, con đã được làm việc với Thầy, có thể nói thời gian này là khoảng thời gian hạnh phúc nhất vì được học hỏi trực tiếp kinh nghiệm và kiến thức về âm nhạc qua các bài phân tích, dẫn giải của Thầy trên đài phát thanh hay đài truyền hình do Thầy điều khiển cùng với chị Tuyết Hằng, Hồng Vân, Hùng Tâm. Những chương trình này, ba con luôn luôn đón nghe, đón xem mỗi khi đến giờ phát thanh hay phát hình.

Làm việc với Thầy thật vui, nhưng cũng thật khó, vì Thầy luôn luôn muốn mọi việc phải được hoàn toàn tốt đẹp. Nên khi được Thầy giao bài hát, các bạn con, luôn cố gắng chuẫn bị thật kỹ, để khi đến phòng thu, không bị mất thì giờ làm đi làm lại cho truyền hình. Còn chương trình phát thanh trực tiếp, khi diễn, cũng phaỉ xem canh thời gian không được đi lố giờ mà đài phát thanh đã ấn định.., nhất là phải diễn giống như thật, để người nghe có cảm tưởng như họ được tiếp xúc với những người đang diễn.

Giờ đây ngồi viết những giòng chữ này, suy nghĩ mãi con mới thấy mình may mắn được làm học trò của Thầy.

Người xưa nói Nhứt tự vi sư. Nhưng phần con, con thì được học Thầy rất nhiều...từ cách làm việc, cách sống, cách ứng xử với những người chung quanh. Công ơn giáo dục của Thầy, không bao giờ con quên.

Một điều trong lòng con, kính trọng Thầy như ba mình, nên khi nói chuyện, cách xưng hô THẦY-CON luôn luôn trên môi mình.

Giờ đây, hơn 60 tuổi, sắp bước vào 70, con cũng vẫn cảm thấy mình như đứa học trò nhỏ ngày nào, mong đến giờ để vào lớp học với Thầy, mà trong lòng cũng hơi lo lắng vì kính sợ. Một sự kính sợ nễ phục vì không muốn Thầy mình buồn phiền vì mình học không tốt. Căng thẳng nhất là giờ khảo bài... Nhưng khi nhìn thấy gương mặt rạng rỡ của Thầy lúc học trò làm bài đúng, viết chính tả đơn điệu, hợp âm hoàn toàn hay, thì lòng còn lại cảm thấy tình thương yêu kính trọng Thầy gia tăng.

Con rất tin và hiểu Thầy nhiều hơn, vì điều nầy cũng đã đến với con, những khi học trò đi thi lên lớp hay tốt nghiệp ở nhạc viện bên nhà (Saigon) hay ở nhạc viện bên này (Sevran, Antony) tim con theo dõi các em từng tiếng đàn, từng nốt nhạc, từng tiếng nhịp đập của đôi chân trong suốt thời gian học trò đàn trước giám khảo.

Đây là lá thư đầu tiên cũng là lá thư duy nhất con gửi đến Thầy để cám ơn sự lo lắng của Thầy trong lúc dạy học.

Kính thư

Phương Oanh.
Học trò của Thầy.