Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Hùng Lân - Bắt đầu từ Thánh ca

(LĐCT) - Số 23 - Thứ sáu 07/06/2013 12:17
    Nguyễn Thụy Kha

    Chỉ một lần gặp Hùng Lân trong cuộc hội ngộ với nhạc sĩ Lê Thương và nhạc sĩ Văn Cao tại Sài Gòn, đã thấy nhiều cảm mến vì ông rất ít nói về mình, hay cười khi Lê Thương khôi hài, nhìn chăm chú Văn Cao uống rượu. Dù đã muộn, cũng vẫn còn gặp được nhau.
    Nhạc sĩ Hùng Lân.
    Trong làng nhạc Việt Nam, Hùng Lân cũng là một cá tính sáng tạo đặc biệt. Hùng Lân vốn họ Nguyễn, con trai ông Nguyễn Văn Thiện gốc làng Hương Điền, tỉnh Sa Đéc. Khi ông Nguyễn Minh Châu - cha đẻ ông Nguyễn Văn Thiện ra Hà Nội làm việc, chỉ mang theo ông. Khi vợ chồng ông Châu trở về Sa Đéc thì gửi lại Thiện cho người bạn thân Hoàng Xuân Khoát. Hằng tháng, ông bà Châu vẫn gửi tiền ra nuôi con. Nhưng được nửa năm, ông bà Khoát vì không có con nên bắt đầu có ý định giữ Thiện làm con của mình. 

    Ông bà Khoát gửi tiền lại cho ông bà Châu và loan tin Thiện bặt tin. Ông bà Khoát đã đổi họ Hoàng cho Thiện thay vì họ Nguyễn. Ở Sa Đéc, bà Minh Châu (Nguyễn Thị Mùi) qua đời. Ông Châu tục huyền với bà Sâm. Khi ông bà trở lại Hà Nội, có gặp ông Khoát đòi lại Thiện. Việc kiện tụng không thành, nên Thiện vẫn đương nhiên là con ông Khoát. Khi Thiện trưởng thành thì kết hôn với bà Nguyễn Thị Nhạ - người Phủ Lý (Hà Nam). Ông bà Thiện sinh 11 người con. Hùng Lân là con thứ tư. Ông sinh ngày 23.6.1922 tại phố Phủ Doãn, Hà Nội. Hôm gặp, biết tôi ở Hàng Bông gần Phủ Doãn, ông có hỏi thăm một vài người thân cũ. Khi sinh ra, Hùng Lân vốn được bố mẹ đặt tên là “Cường”, nhưng khi đi khai sinh thì lại viết nhầm là Hường - Hoàng Văn Hường. Sau này, nghe cái tên có vẻ “nữ tính”, Hùng Lân đã đổi tên là Hoàng Văn Hương. 

    Từ 8 tuổi, Hùng Lân học trường tiểu học Gendreau (từ 1950 đổi thành Dũng Lạc, nay là trường Hoàn Kiếm - N.T.K) và trường các Sư Huynh Dòng Puiginier. Ông bắt đầu học nhạc với linh mục P.Dépacelis và tham gia Ban hợp xướng Nhà thờ Lớn Hà Nội. Từ năm 1934 đến năm 1945, Hùng Lân tiếp tục học nhạc linh mục J.Bouis tại Chủng viện Hoàng Nguyên, sau là Đại Chủng viện Xuân Bích (Saint Suiepice). Do bố mẹ liên tiếp qua đời vào hai năm 1945 và 1946, Hùng Lân đành bỏ học ở Đại Chủng viện, vì ông là chỗ dựa kinh tế của cả gia đình. Bút danh Hùng Lân là ông lấy tên em thứ năm và thứ tám ghép lại. Ông còn bút danh “Nam Hoa” (Hoa miền Nam), “Lâm Thanh” (Rừng xanh).

    Trong phong trào Tân nhạc ở Hà Nội, Hùng Lân và bạn bè đã bắt đầu sáng tác thánh ca Việt Nam. Tháng 7.1945, Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh được thành lập do ông làm Đoàn trưởng. Khi Hội Khuyến nhạc Hà Nội tổ chức cuộc thi sáng tác bài hát (1944-1945), Hùng Lân đã đoạt giải nhất với bài hát “Việt Nam minh châu trời đông” và giải nhì với hành khúc “Rạng đông”. Vừa bằng niềm hồi nhớ tổ tiên (ông Nguyễn Minh Châu) cùng tiên cảm về một thời đại mới, Hùng Lân đã thành công trong hai nhạc phẩm này. Rất tiếc, do “Việt Nam minh châu trời đông” được các lãnh tụ Quốc dân Đảng chọn làm quốc ca, nên một thời dài, nhạc phẩm đầy lòng yêu nước này đã không được vang lên như một kiệt tác của dân tộc. Trong năm 1946, cảm hứng từ lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Bác Hồ, Hùng Lân đã viết hành khúc “Khỏe vì nước” nổi tiếng. Hành khúc đã được Dàn kèn Quân đội tấu lên trong những lễ thể thao, những trận bóng đá suốt từ khi ra đời cho đến hôm nay. 

    Ngày ấy, Hùng Lân dạy học và dạy nhạc ở trường Kẻ Giảng (Kẻ Sở tức Ninh Phú cách Phủ Lý chừng 5-6 cây số). Năm 1948, Hùng Lân dạy âm nhạc ở trường Chu Văn An -  Hà Nội. Ở trường này, Hùng Lân đã dạy nhiều học sinh biết âm nhạc, trong số đó có NSND Trần Hiếu và Quý Dương. Năm 1949, ông soạn bộ sách dạy âm nhạc phổ thông gồm 2 tập mang tên “Cây đàn sống” được NXB Thế giới (Hà Nội) ấn hành. Ông tiếp tục soạn “Bộ sách giáo khoa âm nhạc cho các lớp Đệ thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ (tương đương trung học cơ sở bây giờ) cũng do NXB Thế giới ấn hành 1952-1953. Ông là người đầu tiên soạn Sách Giáo khoa Âm nhạc trong trường phổ thông. Năm 1951, Hùng Lân lập gia đình với bà Nguyễn Thị Dung - một thiếu nữ say mê âm nhạc đã từng hát đơn ca trong ca kịch “Tục lụy” của Lưu Hữu Phước và Thế Lữ. Có lẽ nhờ tình yêu này mà Hùng Lân đã có một ca khúc mùa hè nổi tiếng mang tên “Hè về” dành cho cả trẻ thơ và người lớn.

    Từ khi vào Sài Gòn, Hùng Lân là một trong những người sáng lập Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (nay là Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh). Nam 1957, ông dạy môn ký - xướng âm. Ông vừa đi dạy nhạc, vừa học đại học Văn Khoa Sài Gòn và tốt nghiệp cử nhân Văn Khoa (Văn chương Pháp). Năm 1963, ông làm việc tại Trung Tâm học liệu. Sau đó, ông đảm nhiệm chương trình Phát thanh học đường, đi tu nghiệp về giáo dục và truyền thanh tại đại học Syracuse (New York, Hoa Kỳ). Chính từ sau khi đi học ở Hoa Kỳ trở về, Hùng Lân lại đi sâu vào tìm hiểu dân ca Việt Nam. Vừa là tác giả chương trình truyền hình “Đố vui để học”, Hùng Lân còn biên soạn công trình “Tìm hiểu dân ca Việt Nam” trong đó có phần độc đáo “Âm nhạc trong tiếng rao hàng” (Tạp chí Âm nhạc đã in lại năm 1992) được dùng để giảng dạy tại Viện đại học Đà Lạt (1972-1973). Cuốn “Sư phạm âm nhạc thực hành” do ông biên soạn được dùng cho chương trình đào tạo giáo viên tiểu học. ông còn thành lập “Trường âm nhạc BACH” để đào tạo nhạc sĩ trẻ Sài Gòn.

    Bên cạnh những tác phẩm giáo khoa, lý luận âm nhạc, Hùng Lân cũng nở rộ trong những sáng tác cho người lớn và trẻ thơ. Bắt đầu từ Thánh ca, ông đã dần trở lại những âm hưởng dân ca Việt Nam. Hai tập nhạc “Vui ca lên” (tập 1 và tập 2) gồm 100 bài hát trẻ thơ và sinh hoạt đoàn thể đa số dùng điệu ngũ cung phổ các bài đồng dao như “Tập tầm vông”, “Kéo cưa lừa xẻ”, “Chi chi chành chành”, “Trồng nụ trồng hoa”, “Nu na nu nống”, “Xỉa cá mè”… cho thấy Hùng Lân là người nhạc sĩ đi đầu trong việc khai thác đồng dao, sau ông là Phạm Tuyên. Hùng Lân đã thực sự thấm nhuần dân ca Việt Nam trong “Bài non nước” và “Duyên tình miền Nam”. Nghe các nhạc phẩm này, thấy như đang trôi đi mênh mang trên sông nước Nam Bộ. Khác cách thể hiện dân ca của thế hệ trước, Hùng Lân chủ trương hòa âm từ ba đến bốn giọng khác nhau để tạo nên tính thời đại cho những sáng tác này.

    Thực ra, Hùng Lân đã bắt đầu đi từ Thánh ca đến dân ca từ hành khúc “Khỏe vì nước”. Âm hưởng này càng rõ rệt hơn trong ca khúc “Sầu lữ thứ” lai láng tâm sự với những bước lùi ở quãng 7 và quãng 8 gập ghềnh như cõi lòng người nhạc sĩ khi dặm trường ly hương, dù là với gốc gác thì lại hóa trở về cố hương. Hùng Lân có vui hơn chút khi chan hòa sống với đời thường dân gian qua “Xóm nghèo”, “Mùa hợp tấu”, lại chùng xuống “Hận Trương Chi”, rồi lại đầy hy vọng trong “Ca xuân hẹn ước”, “Mạch sống” và dừng lại ngẫm nghĩ trong “Tơ vương”. 

    Tác phẩm cuối cùng của người nhạc sĩ trọn đời cống hiến cho âm nhạc là ca khúc “Suy tư cuộc đời” thì ở đấy, người nghe thấy một sự hòa tan giữa Thánh ca và dân ca. Hòa tan như không khí để thở những ngày tháng cuối cùng của đời người Việt Nam ở tại Việt Nam. Hùng Lân đã tạ thế ngày 17.9.1986. Ông không còn để nhìn thấy đất nước những ngày đổi mới, để nghe âm nhạc của mình vang lên khắp nơi cùng “Khỏe vì nước”, nhất là “Hè về” được vang lên trong chương trình “Nửa thế kỷ bài hát Việt Nam” tại Hà Nội - tháng 3.1994. Năm 2007, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã vinh danh ông cùng nhiều tác giả âm nhạc không phải là hội viên trong phần “Những người hoạt động âm nhạc có đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và nền âm nhạc Việt Nam”.

      Thứ Năm, 3 tháng 1, 2013

      CÁC BÀI VIẾT VỀ NHẠC SĨ HÙNG LÂN

      Một báo cáo chuyên đề ở Viện Âm nhạc Việt Nam
      Nhạc sĩ HÙNG LÂN và Phương pháp Giảng dạy Âm nhạc tại các Trường Phổ Thông

      Căn cứ vào 76 tài liệu xuất xứ từ Pháp, Bỉ, Liên Xô, Mỹ, Úc, Phi Luât Tân và Việt Nam, và qua những kinh nghiệm trong 40 năm hoạt động âm nhạc, nhạc sĩ Hùng Lân đã đề nghị một phương pháp mới về việc dạy nhạc, đặc biệt là ký xướng âm, tại các trường phổ thông, chủ yếu là ở cấp I và mẫu giáo.
      Trước hết, theo nhạc sĩ Hùng Lân, đối với trẻ em, phương pháp giáo dục âm nhạc nào cũng phải nhằm rèn luyện và khai triển về sáu diện: thính giác, giọng hát, thị giác, cảm quan, tinh thần dân tộc và tinh thần xã hội. Từ cơ sở nầy, ngay từ thế kỷ XIX, giáo giới và nhạc giới tiến bộ đã lên án lối dạy nhạc nhồi sọ bằng những định nghĩa trừu tượng chứa đựng nhiều cái “ngoại nhạc” (extra-musical), thiếu thực hành…đã phổ biến trên thế giới. Do đó, một phương pháp mới, đem ra áp dụng tại Việt Nam cần phải giản dị và mềm dẻo tối đa… vừa mang tính hiện đại vừa mang tính dân tộc. Đặc biệt về tính dân tộc có thể đi từ nguồn, qua một số bài dân ca, dân nhạc chọn lọc để tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với nhạc dân tộc ngay từ đầu với cảm quan được phát triển điều hòa, tự nhiên. Mặt khác, việc dạy nhạc ở trường phổ thông chứ không phải ở trường âm nhạc chuyên nghiệp, phương pháp mới cần làm sao cho tất cả các em, dù có năng khiếu đặc biệt hay không, cũng tiếp thu được, thụ hưởng được những cái chính yếu của nghệ thuật âm nhạc, cũng như phải làm sao cho các thầy cô dạy nhạc với khả năng trung bình cũng có thế áp dụng được. Cuối cùng, kỷ luật học tập (nhất là qua hợp ca, hội diễn) sẽ giúp các em phát huy đạo đức tập thể, biết trọng qui luật xã hội “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” một cách hoài hòa, chứ không tìm cách vượt trội cá nhân.
      Với những nguyên tắc và phương hướng nói trên, nhạc sĩ Hùng Lân đã nêu những ý kiến cụ thể về cách dạy từng phân môn âm nhạc. Đầu tiên về phân môn ca hát, tác giả nhất trí bản dự thảo chương trình bộ môn ca nhạc, chỉ đề nghị thêm vào những bài hát có tác dụng giáo dục gián tiếp (bên cạnh những bài bản giáo dục trực tiếp). Đó là những bài nói lên những cảm xúc hồn nhiên trước vẻ đẹp của thiên nhiên, kể cả những bài đồng dao (như Chi chi chành chành, Cùm nụm , cùm niệu…) có tính vui cười, yêu đời, không cần có ý nghĩa rõ rệt. Cũng trong phần dạy ca hát, cần chú ý các yêu cầu về luyện hơi thở, luyện cách đọc chữ và dấu giọng. Sang phần môn nhạc lý xướng âm, nhạc sĩ Hùng Lân nhận định là có thể mượn của thế giới, với môt số điều chỉnh cần thiết. Như về trường độ, ta phải tránh lối khởi đầu bằng dấu tròn như chủ trương duy lý của    H. Lemoine, A. Danhauser… mà cần khởi đầu với dấu đen. Điều lựa chọn này là chủ trương tiến bộ của Chevais Barabouchkina, Kamikov Carulli, v.v… rất hợp với các cử động tự nhiên của con người như bước đi, nhịp thở, nhịp tim đập. Và khi dạy về cao độ, cũng cần tránh lối dạy hơi vội vàng của chính một số nhà nghiên cứu nói trên. Đó là ta không nên dạy các em bước đi từ một tập hợp nốt này sang một nốt mới khác quá nhanh, vì khi học thêm một nốt thì các em phải cố gắng rất nhiều, ví dụ như sau khi học xong bộ Đô – Rê – Mi – Fa mà tiếp sang Sol thì cái khó sẽ tăng lên gấp bốn, gấp năm chứ không phải chỉ tăng lên 1/5. Ngoài ra, không nên để các em bị sự khống chế ngay từ đầu của hòa âm phương Tây vì các em còn phải nghe, học và thực hành những loại nhạc không hòa âm (non harmonique), trong số đó có nhạc cổ truyền Việt Nam. Đến đây, nhạc sĩ Hùng Lân đã giới thiệu cụ thể một tiến trình về cường độ và cao độ phù hợp nhất với khả năng tâm sinh lý của từng lứa tuổi các em. Tiến trình nầy áp dụng vào các lớp học sẽ được chia làm 12 bước và mỗi bước sẽ bao gồm nhiều khía cạnh khác nhau trong lĩnh vực âm nhạc, từ các nhịp điệu, các dấu theo nhạc phương Tây cho đến thang âm, điệu thức nhạc cổ nước ta. Riêng về nhạc ngữ Việt Nam cần có một sự chuẩn định cho thống nhất các cung bậc, điệu thức và công trình sản xuất những âm thanh có cao độ mẫu để nhà giáo có thể theo đó mà dạy. Nếu chưa làm được những việc này thì phải tạm dùng hệ thống bình quân của quốc tế. Cũng trong phần dạy về nhạc cổ truyền dân tộc, những bài dân ca, dân nhạc của các dân tộc sẽ góp mặt trong từng bước dạy, như bắt đầu từ bước 3, các em sẽ được học âm giai nhị âm của điệu hát ví Hải Dương và một số bài đồng dao thật giản dị như Hò dô ta, Sên sển sền sên, v.v…Hay ở bước 5, các em sẽ làm quen với điệu Ca phà té le (Gống Khao) và Noọng Nòn (Tày).
      Để minh họa cho phương pháp dạy nhạc đã đề nghị trong buổi báo cáo ngày 19-11-1979, nhạc sĩ Hùng Lân đã biểu diễn 15 bài hát đủ loại với các sắc thái độc đáo riêng biệt.
      “Lấy nghệ thuật dạy nghệ thuật” và “dùng nghệ thuật để giúp các em làm chủ kỹ thuật trong vui tươi, thích thú, trong tinh thần dân tộc quyết thực hiện chủ nghĩa xã hội”… đó là những khẳng định tâm huyết của Hùng Lân, một nhạc sĩ , một nhà giáo về môn âm nhạc đã cao tuổi – tuổi đời cũng như tuổi nghề nghiệp.

      PHẠM NGA
      Tường thuật của báo Tin Sáng
       Về Báo cáo chuyên đề Tại Viện Âm Nhạc
      Ngày 19/11/1979 

      TÔI VẪN NHỚ những bài hát của HÙNG LÂN
      Người nhạc sĩ Công Giáo ấy.

      Cách Mạng Tháng Tám bùng nổ, tuy còn ở tuổi thiếu niên tôi vẫn bị cuốn hút vào ngọn trào sôi động của quần chúng vùng lên giành chính quyền. Quê tôi, một tỉnh nhỏ miền Trung, lúc ấy đâu đâu cũng tiếng ca hát xen lẫn tiếng hô khẩu hiệu, tiếng “một, hai, một” rầm rập trên đường.
      Trong những ca khúc hùng tráng đầy khi thế Cách Mạng hồi ấy, tôi vẫn còn nhớ một số bài cùng bút hiệu tác giả mà mãi gần đây tôi mới được biết người sáng tác là một nhạc sĩ Công Giáo.
      Mở đầu các buổi sinh họat tập thể hay liên hoan văn nghệ lúc bấy giờ, tuổi nhỏ chúng tôi vẫn thường đứng thẳng sát vai nhau, mắt hướng về lá cờ đỏ sao vàng uy nghi, cất tiếng hát:

      Việt Nam Minh Châu Trời Đông
      Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng,
      Non sông như gấm hoa uy linh một phương.
      Xây vinh quang ngất cáo bên Thái Bình Dương.
      Từ ngàn xưa tài danh lừng lẫy khắp nơi.
      Tiếng anh hùng tạc ghi núi sông muôn đời…
      Trái tim thơ ấu của chúng tôi hồi đó hình như cũng run lên theo lời ca xúc động:

      Máu ai còn vươn cỏ hoa,
      Giục đem tấm thân xẻ với sơn hà.
      Chung tâm cương quyết ta ôn lời thề ước…
      Dù thân này tan tành chốn xa trường cũng cam,
      Thề trọn niềm trung thành với sơn hà nước Nam.
      (Việt Nam Minh Châu Trời Đông).
      Từ sáng sớm, khi mặt trời vừa bừng lên ở chân trời. Đội Thiếu Niên Cứu Quốc chúng tôi đã hàng ngũ chỉnh tề, súng gỗ trên vai, tay vung thẳng, vừa đi vừa hát nhịp nhàng:

      Anh nghe chăng cung đàn rạng đông.
      Đang uy linh lừng vang trên không.
      Đang thiết tha hùng hồn.
      Khơi chí gan Lạc hồng,
      Cháy lên nhuộm ánh hồng…

      Lời ca tiếp theo nói về các anh thanh niên, nhưng tuổi nhỏ chúng tôi vẫn hát vang, ngực ưỡn thẳng ra phía trước, với niềm sảng khoái vô biên:

      Thanh niên Việt Nam, sao mai trời Nam,
      Đường gai bon gót, bạo mà đi ta cứ bạo mà đi…
      Tương lai chờ ta, vinh quang đợi ta.
      Dầm sương dãi nắng không khi nào nhụt chí nam nhi.
      (Rạng Đông)
      Tôi vẫn nhớ ngay sau ngày Cách Mạng Tháng Tám thành công. Bác Hồ kính yêu phát động phong trào “rèn luyện thân thể” trong toàn dân. Cả nước hưởng ứng rầm rộ, thanh thiếu niên quê tôi cũng sôi nổi luyện tập thể dục thể thao, thi đồng diễn, thi điền kinh, tưng bừng trong tiếng hát:

      Khỏe vì nước kiến thiết Quốc Gia,
      Đoàn thanh niên ta góp tài ba,
      Tạo nguồn dân sinh mới hùng mạch trong nam giới,
      Hợp lực xây hưng thịnh chung nước Nam.

      Khí thế tuổi trẻ lại càng bốc cao hừng hực như lửa cháy khi lời ca bước vào đoạn điệp khúc dồn dập:

      Thanh niên ơi, hồn thiêng núi sông  đợi chờ,
      Nơi tay ta toàn dân ngóng trông từng giờ.
      Mang máu anh hùng, ta đừng làm nhơ máu anh hùng,
      Trai đất Việt phải nêu đèn sáng thế giới ngắm chung…
      (Khỏe vì Nước)
      Khi trưởng thành, tham gia công tác qua những năm tháng của hai cuộc kháng chiến, tôi vẫn nhớ không quên giai điệu, tiết tấu những bài hát hào hùng đó và mong ước có ngày gặp gỡ hàn huyên cùng tác giả.
      Rất tiếc, điều đó tôi không thực hiện được, nhạc sĩ Hùng Lân – tên thật Phêro Hoàng Văn Hương – đã mất ngày 17/09/1986 tại thành phố Hồ Chí minh.

                                 Nhạc Sĩ Trương Quang Lục
           Báo Công Giáo & Dân Tộc Xuân Mậu Thìn 1988



      GUINNESS VIỆT NAM

      …Người tham khảo tài liệu nhiều nhất để soạn nhạc lý. Một trong  những người đó là nhạc sĩ Hùng Lân (TP.HCM) đã tham khảo 77 tài liệu âm nhạc trong và ngoài nước: Liên Xô, Pháp, Bỉ, Mỹ, Úc, Philippin…) để nghiên cứu đề xuất một phương pháp mới dạy nhạc cho thanh thiếu niên vào năm 1979.
                             
                                                                                                      Báo Thanh Niên số 54 – 1989 



      NHÂN 10 NĂM NGÀY MẤT CỦA NHẠC SĨ HÙNG LÂN

      (17/09/1986 – 17/09/1996)

      Những hành khúc lên đường

      Theo lời kể của bà Monique Nguyễn Thị Dung, người bạn đời của nhạc sĩ – trên bàn làm việc của ông còn bề bộn những trang cuối cho một tác phẩm thuộc dạng “di cảo” khá công phu, mang tên Nhạc lý tân biên.
      Với hơn 40 năm hoạt động (1943 – 1986), nghiên cứu, sáng tác, giảng dạy và trình diễn, với hàng trăm công trình, tác phẩm đủ mọi thể loại, công bằng mà nói, Hùng Lân thật xứng đáng để người đời ghi nhận như là một nhạc sĩ đóng góp tích cực cho dòng nhạc “cải cách”, cho làng “tân nhạc” Việt Nam từ lúc khởi đầu. Riêng sự nghiệp Thánh Ca bằng tiếng Việt của Hùng Lân trong suốt chiều dài 50 năm hình thành phát triển của Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh xin dành để công chúng nhà đạo cảm thụ và đánh giá.
      Ở đây, chỉ xin nói tới mảng “nhạc đời”, với một số ca khúc có giá trị, mang nội dung và hình thức mới lạ, vui trẻ, khỏe khoắn của ông. Xin tạm gọi là “những hành khúc lên đường”, đã một thời giục giã ngân vang trong lòng người yêu nước, một đóng góp không nhỏ trên mặt trận tuyên truyền văn hóa văn nghệ trước, trong và sau khi nước nhà giành được độc lập 1945. Trong bước đi rầm rập của đoàn quân bách thắng ấy. Hùng Lân có những hành khúc nổi tiếng như: Việt Nam minh châu trời Đông (Giải Nhất toàn quốc 1943), RạngĐông (giải Nhì toàn quốc 1944), Khỏe vì Nước, Học sinh hành khúc, Tiếng gọi lên đường, Ca Xuân hẹn ước, Hè về…
      Ai cũng biết nhạc sĩ Hùng Lân vốn xuất thân từ ngôi trường đạo có tiếng tăm, mang tên Puginier ở phố Gambetta, Hà Nội và được các linh mục Dépaulis và Bouis trực tiếp dạy môn âm nhạc, dĩ nhiên là âm nhạc phương Tây. Thế nhưng, noi gương những người Công giáo tiến bộ lớp trước như thầy Tađê Đỗ Văn Liu, các linh mục Nguyễn Trường Lưu, Hoàng Mai Rĩnh, Nguyễn Văn Huấn v.v…
      Ông đã lựa chọn cho mình một con đường hoạt động, sáng tác, phục vụ riêng: sử dụng vốn kiến thức và tài năng để làm mới, làm giàu cho kho tàng âm nhạc Việt Nam, đưa tân nhạc Việt Nam vượt thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn “nhạc Tây lời Tây” và “nhạc Tây lời ta”, một phong trào ca hát thời thượng bấy giờ, đặc biệt trong hàng ngũ trí thức tư sản ở thành phố. Ý thức độc lập và tự hào dân tộc ấy càng được thể hiện rõ nét hơn suốt những thập niên 1950, 1960 và đầu 1970 khi ông chủ trương, biên tập và dẫn dắt phong trào “Tìm hiểu dân nhạc Việt Nam” trong học đường cũng như ngoài xã hội trước nguy cơ bị pha tạp và Mỹ hóa.
      Có thể là một thiếu sót, nếu chưa kể ra đây chút kỷ niệm riêng tư của bà qủa phụ Hùng Lân -  cô nữ sinh Trường Đồng Khánh ở Hà Nội bấy giờ.
      Bà kể: “Chúng tôi được khuyến khích tổ chức, tham gia một buổi hội diễn tại nhà hát lớn, gồm ba tiết mục: trình diễn trang phục thiếu nữ Việt Nam qua các thời đại, múa ballet (do ông Parmentier dàn dựng) và diễn trích đoạn trong vở kịch Les Femunes savantes của Molière do bà Giám đốc Brachet gợi ý. Chúng tôi phản ứng kịch liệt bằng cách tự chọn và diễn vở Tục lụy của Khái Hưng (do Thế Lữ chuyển thể thành kịch thơ và Lưu Hữu Phước soạn nhạc). Tôi đóng vai chính Nhã Tiên, được công chúng tán thưởng nhiệt liệt, trong khi đó thì mấy ông tây bà đầm hết sức giận dữ, đe dọa sẽ tống cổ chúng tôi ra khỏi trường”.
      Nhắc lại vài ba điều nho nhỏ trên đây, tôi chỉ muốn khơi gợi sự đồng cảm của công chúng một thời đã biết, đã yêu và hát nhạc Hùng Lân. Và đặc biệt qua “những hành khúc lên đường” của ông, người ta cũng được sống lại những khoảnh khắc thật thiêng liêng, hạnh phúc mà hào hùng của những ngày mùa Thu tháng Tám.

                  Nhà thơ Lê Đình Bảng
      Báo Văn Hóa Nghệ Thuật –                14/09/1996



      ĐÔI ĐIỀU VỀ TÁC GIẢ
      KHỎE VÌ NƯỚC

      Khoảng năm 1946, sau Các Mạng Tháng Tám ít lâu, chính quyền non trẻ dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ Tịch tuy bận trăm công nghìn việc nhưng vẫn quan tâm tới sức khỏe của người dân, đề ra cuộc vận động toàn dân rèn luyện thân thể để bảo vệ và kiến thiết đất nước. Trong không khí hào hùng ấy, một bài hát mang tên “ Khỏe vì Nước” ra đời được đông đảo quần chúng tiếp nhận và say sưa ca hát cùng với nhiều bài ca cách mạng khác. Và cho đến bây giờ, ở nhiều cuộc thi đấu thể thao hay ở các lớp tập dưỡng sinh của những người cao tuổi, bài “Khỏe vì Nước” vẫn được cất vang từ miệng các lão ông, lão bà – những người đã hiến trọn tuổi xuân  cho Cách Mạng và Kháng Chiến – lôi cuốn theo cả thế hệ con em.
      Tác giả bài hát có sức phổ biến sâu rộng và bền lâu ấy chính là nhạc sĩ Hùng Lân. Ông có tên thật là Hoàng Văn Hương sinh tại Hà Nội năm 1922 trong một gia đình theo đạo Thiên Chúa. Thuở nhò học ở trường nhà dòng, nhờ có năng khiếu âm nhạc nên được chọn vào ban hát Thánh ca ở nhà thờ và sau đó được học nhạc linh mục Jean Bouis. Những năm 1943, 1944, bài “Việt Nam minh châu trời Đông” và bài “Rạng Đông – hai ca khúc cũng rất quen thuộc – đã giành được giải Nhất và giải Nhì của Hội Khuyến Nhạc.
      Gần thời với bài “Khỏe vì Nước”, ông còn có bài “Tiếng gọi lên đường” động viên tinh thần vượt khó khăn, lên đường làm nhiệm vụ của thế hệ thanh niên hồi đó.
      Nhạc Hùng Lân lành mạnh, trong sáng, trẻ trung và chứa chan tinh thần yêu nước, yêu đời!. Điều đó không chỉ thể hiện qua mấy bài hát nổi tiếng kể trên mà còn tiềm tàng trong nhiều ca khúc ông viết sau này (thời gian ở Hà Nội đang bị Pháp tạm chiếm và ở Sàigon trước giải phóng) như bài “Hè về”, “Cô Gái Việt” (trong phim Cô Gái Việt), “Luống cầy mạch sống” và một chùm bài hát về xuân. Đặc biệt, bài “Việt Nam minh châu trời Đông” có nhạc điệu trang trọng, hùng tráng, lẫm liệt, uy nghi thấm được chất nhạc phương Đông.
      Ngoài việc sáng tác, công việc chủ yếu của Hùng Lân là giảng dạy âm nhạc và sưu tầm, nghiên cứu dân cư, dân nhạc, đồng thời viết một số sách giáo khoa về âm nhạc. Ông từng là thầy dạy của NSƯT Qúy Dương, ca sĩ chuyên hát dân ca Hồng Vân và chị Thúy Hoan, hiện là giảng viên Nhạc viện thành phố HCM, mẹ của nữ nghệ sĩ đàn tranh xuất sắc Hải Phượng.
      Hùng Lân mất vì tai biến mạch máu não ở thành phố Hồ Chí Minh năm 1986. Nhân lễ kỷ niệm 10 năm ngày giỗ của ông, GS TRần Văn Khê có nhận xét; “Tuy học nhạc tây phương nhưng Hùng Lân là người có tâm hồn dân tộc”.

        Phùng Quốc Thụy
      Báo Văn Hóa số 3 – 1997


      MỘT KỶ NIỆM VỀ CỐ NHẠC SĨ HÙNG LÂN
      Cuộc thi sáng tác tân nhạc đầu tiên của nước ta được tổ chức vào cuối năm 1944 đến đầu năm 1945. Nhiều nhạc phẩm đã tham gia dự thi. Hội Khuyến nhạc Bắc Việt và Ban Tổ chức cuộc thi đã khen tặng nhiều giải, trong đó có hai tác phẩm đồng giải Nhất. Đó là ca khúc: “Việt Nam minh châu trời Đông” của nhạc sĩ Hùng Lân và ca khúc “Việt Nam hùng tiến” của nhạc sĩ Thẩm Oánh. Những tác phẩm đoạt giải cao đều được Nhà xuất bản Ngoạn ở số nhà 60-62 phố Cầu Gỗ xuất bản.
      Trong bài báo nhỏ này, chúng tôi không có tham vọng viết về phong trào âm nhạc một thời một thuở ở nước ta, mà chỉ giới hạn đôi nét về nhạc sĩ Hùng Lân.
      Nhạc sĩ Hùng Lân tên thật là Hoàng Văn Hương. Gia đình nhạc sĩ Hùng Lân theo đạo Công Giáo,ở phố Nhà Chung gần nhà thờ lớn Hà Nội.
      Đầu xuân năm nay (Kỷ Mão – 1999) tôi có dịp về thăm quê hương dự Lễ Hội của làng. Sau phần lễ là phần Hội. Trong phần Hội có thi hát và thể thao. Đến khi trao giải thưởng thể thao. Chi Hội Cựu Chiến Binh đoạt giải môn kéo co. Sau khi nhận giải, cả Chi Hội Cựu Chiến Binh lại đồng ca bài “Khỏe vì Nước” của nhạc sĩ Hùng Lân. Tôi hỏi vui anh chị em:
      - Năm giờ sáng hằng ngày Đài tiếng nói Việt Nam có chương trình thể dục buổi sáng hướng dẫn luyện tập, lại có cả bài ca về thể dục mới sao không hát, lại hát bài “Khoẻ vì Nước” từ năm 1946?.
      Anh chị em trả lời:
      - Có ai dạy mà biết hát. Bài “Khỏe vì Nước” tuy cũ, nhưng giai điệu rất hùng tráng, ca từ đẹp, tính khái quát cao. Rất phù hợp với hai nhiệm vụ chiến lược (của Đảng ta là) “xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc”. “Khỏe vì Nước kiến thiết quốc gia” cũng có nghĩa là “xây dựng”. Trong đoạn điệp khúc có câu: Mang máu anh hùng, ta đừng làm nhơ máu anh hùng. Trai đất Việt phải nêu đèn sáng thế giới ngắm chung…” Cũng giai điệu này, chị em nữ chúng em hát theo lời: Đem ngón tay mềm xây nền vinh quang sáng muôn đời. Thân liễu này vượt sông, bạt núi khí phách mấy mươi…” Như vậy, ca từ đã thể hiện truyền thống tổ tiên tự hào về dân tộc ta với ý chí bảo vệ Tổ quốc, có phải không anh?
      Tôi đuối lý đành cười trừ và cảm nhận sức sống của ca khúc “Khỏe vì Nước” đã 53 năm vẫn sống mãi với thời gian.
      Trở về Hà Nội, tôi tìm đến nhạc sĩ Việt Lang để tìm hiểu thêm về nhạc sĩ Hùng Lân, nhạc sĩ Việt Lang cho biết:
      “Năm 1946, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước chủ trương thành lập Trung ương nhạc viện Việt Nam. Nhạc viện kêu gọi các nhạc sĩ tự nguyện tham gia. Trụ sở chưa có, nhạc sĩ Lưu Quang Duyệt có căn nhà tuơng đối rộng rãi ở gần hồ Thuyền Quang đã tự nguyện cho mượn làm nơi gặp gỡ. Chỉ mấy ngày đầu các nhạc sĩ đã tìm đến xin tham gia Nhạc viện. Tôi nhớ trong đó có nhạc sĩ: Văn Cao, Văn Chung, Lưu Quang Duyệt, Tống Ngọc Hạp, Hùng Lân và tôi (Việt Lang) sau đó còn thêm một số anh em nữa. Thuở ấy Nhạc viện được Bộ Giáo Dục đỡ đầu (vì chưa có Bộ Văn hóa). Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước thường xuyên lo công tác đối ngoại phải đi làm việc với các Bộ, các Ngành và chính quyền các cấp nên anh đã phân công nhạc sĩ Văn Cao phụ trách tổ chức và điều hành.
      Việc đầu tiên anh Văn Cao giao cho anh Tống Ngọc Hạp và tôi làm nhiệm vụ dịch những ngôn ngữ âm nhạc từ tiếng Pháp sang tiếng Việt để dễ phổ cập. Khoảng nủa tháng sau, anh Lưu Hữu Phước đã mượn được ngôi nhà số 16 đường Hùng Vương (hiện nay) làm trụ sở Nhạc viện. Ngoài một số phương tiện thông thường như bàn, ghế, tủ …anh còn kiếm được một đàn piano là tài sản quý gía nhất. Các nhạc sĩ có nhạc cụ gì đều mang theo để hành nghề. Trong một tháng, anh Tống Ngọc Hạp và tôi đã dịch được khoảng hơn 300 từ âm nhạc tiếng Pháp sang tiếng Việt. Cũng dịp này, tôi sáng tác bài “Tình quê hương” do Nhà xuất bản Giòng Việt  ở 44 Hàng Da Hà Nội xuất bản và phát hành. Nhạc viện đang có xu thế phát triển, ngày càng có nhiều nhạc sĩ tham gia thì thực dân Pháp liên tục gấy hấn làm cho tình hình Hà Nội mất ổn định dẫn đến đến sự kiện 19/12/1946, toàn quốc kháng chiến. Hầu hết các nhạc sĩ đều đi theo kháng chiến và tôi cũng tham gia quân đội từ đó.
      - Nhạc sĩ có biết thêm gì về nhạc sĩ Hùng Lân không? Tôi hỏi, nhạc sĩ Việt Lang cho biết:
      - Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân tập thể dục để tăng cường sức khỏe, Hùng Lân đã cảm thụ và sáng tác ngay ca khúc “Khỏe vì Nước”. Tác phẩm vừa ra đời được nhân dân đón nhận hào hứng.
      Báo Cứu Quốc số ra ngày 27/05/1946 loan tin:
      “ …5 giờ sáng ngày 26/05/1946, thanh niên và tự vệ thủ đô từ khắp ngả đường dồn dập kéo về Việt Nam hơc xá dự mít – ting. Họ vừa đi vừa biểu diễn bài thể dục, vừa hô vang khẩu hiệu và hát bài “Khỏe vì Nước”…Tối hôm đó, đúng 19 giờ 20 phút Chủ tịch Hồ Chí Mính đến nhóm ngọn lửa thiêng truyền cho hàng trăm thanh niên rước về khắp phố phường của thủ  đô…”
      Chỉ ngần ấy thông tin chúng ta cũng nhận ra Bác Hồ quan tâm tới phong trào thể dục thể thao biết nhường nào. Và, ca khúc “Khỏe vì Nước” của nhạc sĩ Hùng Lân như một tượng đài hoành tráng bằng âm thanh đã cất cánh  bay tới mọi miền đất nước cổ vũ  cho phong trào thể dục thể thao.
      Nhạc sĩ Hùng Lân sinh năm 192 tại Hà Nội, ông vào cõi vĩnh hằng ngày 17/09/1986 tại thành phố Hồ Chí Minh.

      NGUYỄN THẮNG
      Báo Công Giáo & Dân Tộc
                         Số 1201 
      Từ  26/03/1999 đến  01/04/1999 


      KỶ NIỆM 22 NGÀY MẤT CỦA NHẠC SỸ HÙNG LÂN
      (17/09/1986 – 17/09/2008)

      Chắc chắn ít ai đã từng sống nơi Sàigon trước đây không một lần hát nhạc Hùng Lân. Từ những bản nhạc thuần túy dành cho thiếu nhi như: Ổng Nỉnh Ông Nang, Em yêu Ai?... đến những bản nhạc khơi dậy lòng yêu nước như: Cô Gái Việt, Khỏe vì Nước…Mỗi mùa hè về, học sinh  nôn nao với Hè về. Tôi luôn nhớ ngày xưa, cứ vào tháng tư, khi hoa điệp vàng bắt đầu nở, học sinh chúng tôi hát rộn rã bản nhạc Hè về. Rồi hoa phượng nở đầu tháng 5, những chươnh trình ca nhạc thiếu nhi trên truyền hình không thể thiếu Hè về
      Nhạc của ông đi vào ký ức tuổi thơ với ca từ giản dị, dễ hát để bất cứ đứa bé nào cũng có thể nũng nịu cùng ba mẹ: “Nếu hỏi rằng em yêu ai thì em rằng em yêu ba nè, thì em rằng em yêu má nè…” Để rồi xác nhận thật đáng  yêu:…”Nhưng nhứt là em yêu má cơ…” Nhạc sĩ Hùng Lân rất trọng nữ và cũng rất tâm lý khi cho rằng bất cứ đứa trẻ nào cũng yêu mẹ nhất nhà, yêu bà nhất họ hàng và yêu cô giáo nhất trường bên cạnh tình yêu quê hương, mái trường. Không đứa bé nào ngày trước không từng nghe bản nhạc Ông Ninh Ông nang. Bản nhạc này từng làm hoạt cảnh các chương trình thiếu nhi mỗi mùa Trung Thu và cũng từng là bài hát “hot” nhứt thời đó khi đi đâu cũng nghe các em thiếu nhi:”Ông Nỉnh Ông Ninh ông ra đầu đình ông gặp ông Nảng ông Nang…”Lời ca không cao sang, khó hiểu, thật phù hợp với suy nghĩ, cái nhìn cùng tính hài hước của trẻ thơ.
      Một ca khúc luôn làm tôi tự hào và xúc động đó là bài Khỏe vì Nước. Bài hát hùng hồn khơi dậy sự tự hào dân tộc:’ …Mang máu anh hùng ta đừng làm nhơ máu anh hùng…” Tôi nhớ hoài cảm giác hãnh diện khi hát những câu hát đầy hùng hồn đó.
      Là người Công Giáo, ông cũng không thể không đóng góp lời ca tiếng nhạc trong kho tàng Thánh ca của Giáo Hội. Lời Việt của Đêm Thánh Vô Cùng thật đơn sơ nhẹ nhàng đi vào lòng người. Sau này có thêm những lời Việt của Silent Night, cũng thánh thót, cũng du dương, thế nhưng, ai cũng thích lời của nhạc sĩ Hùng Lân trong các đĩa nhạc Gíang Sinh hay những chương trình ca nhạc cho mùa Noel.
      Ông cũng còn những tập nhạc như Ca Vang Lời Chuá (tập 1, 2, 3), Nguyện Ca (1974), Bài ca Giáo Lý (xuất bản 1983)…
      Ông từng lãnh giải thưởng Hội Khuyến Nhạc Hà Nội 1943 với bài Rạng Đông, và giải Nhất kỳ thi âm nhạc Hà nội 1944 với bài hát Việt Nam Minh Châu Trời Đông
      Nói chung, nhạc ông sống mãi trong lòng người. Hiện nay, trong các câu lạc bộ thể dục thể thao còn râm ran bài Khỏe vì Nước. Mỗi mùa hè không thể thiếu vắng sự rộn rã của “Trời hồng hồng, sáng trong trong, ngàn phượng rung nắng ngoài song, cành mền mền, gió ru êm…” Ngay chính tôi, một cô giáo cấp 3, sau kỳ thi học kỳ 2 hàng năm cũng luôn hát vang khắp nhà, khắp phòng giáo viên “ Trời hồng hồng…”
      Cuộc sống của ông khá trầm lặng, dường như là mẫu mực, chưa hề mang tai tiếng gì. Nhân ngày giỗ của nhạc sĩ Hùng Lân, tôi chợt muốn nhắc về ông như một tấm gương cho sự tự trọng. Một đời nhạc sĩ sống thật với chính mình, bằng chính tài năng của mình, một bản nhạc để đời cũng là quá đủ và thật đáng tự hào cho bản thân và gia đình. Ông không là cây cổ thụ to nhứt trong nền âm nhạc Việt Nam nhưng không ai dám phủ nhận sự nghiệp của ông không chỉ trong âm nhạc mà còn cho nền giáo dục nước nhà.

      NGUYỄN NGỌC HÀ
                    Báo Công Giáo & Dân Tộc 
                            số 1675 năm  2008 


      Ca khúc Mùa Hè.

      Mấy hôm nay cơn nóng đã dịu. Mùa Hè như thế mà gần tàn.
      Mấy tuần trước đây, trên tivi mỗi tối còn thấy chiếu quảng cáo quần áo hay dụng cụ cho học sinh “back to school”, chiếu dụ cha mẹ sắm sửa cho con cái vào trường với quần áo mới, sách vở mới. Lại nhớ đến ngày xưa, mỗi khi tựu trường lòng xốn xang vì không biết có gặp lại bạn cũ hay không. Và bạn mới hay thầy mới có thân và thích mình  như năm ngoái không? Về quần áo thì mình cũng có thêm hai bộ được mẹ sắm cho mùa học mới….
      Bây gời thì đã gần hết Hè, học trò đã đi học lại, và mình thì ngồi viết tạp ghi về mùa Hè muộn, như trên một cuốn phim Việt Nam được xem trước khi tan hàng năm 1975…
      Ngày xưa chúng ta học chữ nửa buổi, còn nửa buổi kia học tự các môn chính, hoặc nhà khá giả thì được học thêm đàn. Chính vì nhàn nhã như thế mà người viết bài mới có thể vừa học chữ ở Gia Long, vừa học đàn ở trường Quốc Gia Âm Nhạc mà vừa đi hát chuyên nghiệp khi mới có 15 tuổi. Ngày nay thì trẻ con còn không có giờ để … chơi nữa, đừng nói đến làm chuyện khác. Và nếu có chơi  thì trò chơi cũng khác chúng ta, toàn là chơi game trên máy và nói chuyện bằng cell với nhau, chứ đâu có chạy ra nắng nhẩy dây, hay lượm hột me, hòn bi, hòn cuội về giải gianh!
      Không khí học đường bây giờ cũng khác, tuy cũng có thi cử, có ra trường, nhưng sao không thấy có sự hồi hộp của những mùa thi ngày trước.
      Tân nhạc Việt Nam có nhiều ca khúc viết về Mùa Hè, nhưng trong trí tưởng của người Việt có hai bài in đậm nét không phai lạt là “Hè Về”của Hùng Lân và “Mùa Thi” của Đỗ Kim Bảng.
      Nhạc sĩ Hùng Lân là người chuyên viết nhạc hùng cho thanh thiếu niên. Ông có viết một số ca khúc trữ tình, nhưng sở trường vẫn là nhạc hùng. Vốn là một nhà giáo, một người có tính tình mô phạm và đạo đức, Hùng Lân dùng âm nhạc để giáo dục thanh nhiên có lòng yêu mến quê hương đất nước và dân tộc. Các tác phẩm như “Rạng Đông”, “Tiếng gọi lên đường”, “Khỏe vì Nước”, và nhất là tuyệt phẩm “Việt Nam Minh Châu trời Đông” đã nằm trên đầu môi giới thanh thiếu niên các thập niên 40 – 50 – 60. Bài “Việt Nam Minh Châu trời Đông” được bao nhiêu nhạc sĩ uy tín và đầy thẩm quyền như Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Vũ Thành cho là đáng được chọn làm quốc ca Việt Nam hơn cả.
      Riêng với Quỳnh Giao. Ngoài lòng ngưỡng mộ vì tài âm nhạc và lòng yêu trẻ, còn có sự tri ân vì chịu ơn giáo dục và đào tạo của ông. Giáo Sư Hùng Lân là người dạy môn nhạc pháp (nhạc lý và ký âm pháp, chứ không phải nhạc của nước Pháp) tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Saigon. Ông còn giữ chức giám học thời kỳ Giáo Sư Nguyễn Phụng làm giám đốc trường nhạc. Người viết được học với thầy Hùng Lân từ năm đệ tứ cho tới khi tốt nghiệp, và được thầy đặc biệt thương vì là con bé rất nghe lời và kỷ luật của thầy.
      Hùng Lân rất tận tâm và nghiêm khắc, nên lũ học trò vừa sợ vừa thương. Cho đến nay, đối với riêng Quỳnh Giao, thầy Hùng Lân là người dạy nhạc pháp giỏi nhất. Thầy đã đào tạo biết bao nhạc sinh xuất sắc và những người học trò cùa thấy sẽ không bao giờ quên ơn và quên phương pháp giảng dậy thật hữu hiệu mà dễ hiểu của thầy.
      Hè Về” là ca khúc Mùa Hè đẹp nhất của chúng ta. Hùng Lân có biệt tài viết lời ca nhanh và liền lạc như một chuỗi hạt trai. Qúy độc giả cứ thử hát lại rồi sẽ có cảm giác bồng bềnh, mênh mông, rào rạt trên sóng của áng mây hồng buổi sớm mai, của mầu xanh ngọc bích nơi cành lá, của màu phượng đỏ rung rinh ngoài nắng. Và còn nữa: đám mây trắng đùa với nắng, đàn chim én tung cánh đo trời, dưới thì đồng lúa vàng nhịp nhàng cao thấp trên sườn đồi. Hương sen thanh nồng lan theo gió mát. Cảnh đẹp mà nhạc thì lôi cuốn, dìu dặt và trong sáng. Chỉ trong một đoạn mà người thưởng thức nghe được tiếng ve, tiếng trúc, ngắm được mây trắng, lá ngọc, chim én, lúa vàng, mà còn ngửi được hương thơm của sen nồng. Hát cả câu lên để thấy lòng lâng lâng, thanh thoát. Người ngoại quốc học tiếng Việt một trăm năm có lẽ cũng không thể đọc kịp lời khi hát ca khúc này.
      Trời hồng hồng, sáng trong trong
      Ngàn phượng rung nắng ngoài song
      Cành mềm mếm gió ru êm
      Lọc màu mây bích ngọc qua màu duyên
      Đàn nhịp nhàng hát vang vang
      Nhạc hòa thơ đón hè sang…
      Bâng khuâng nghe nắng đùa mây trắng
      Đàn chim cánh đo trời
      Phân vân đôi mắt chèo lữ thứ
      Thuyền ai biếng trôi
      Xa xa lớp lúa dồn cao sóng vàng leo dốc trên đồi
      Thanh thanh hương sen nồng
      Ướp gió mát khi chiều rơi…
      Ở đoạn điệp khúc, Hùng Lân tài tình sử dụng lối hát đuổi (canon) nên càng làm câu nhạc quấn quýt liền lạc như tâm tư tác giả trào dâng với cảm xúc chứa chan trước cảnh hữu tình. Đoạn này được hát đuổi hay nhất với giọng nữ câu cao, và giọng nam câu trầm:
      Hè về hè về
      Nắng tung nguồn sống  khắp nơi
      Hè về hè về
      Tiếng ca nhịp phách lên khơi
      Đầu ghềnh suối mát / reo vui dào dạt
      Ngập trời gió mát / ven mây phiêu bạt
      Hồn say ý chơi vơi, ngày xanh thắm nét cười, lòng tha thiết yêu đời ….
      Lời ca của “Hè về” xứng đáng được dùng cho học sinh học cách hành văn vừa trong sáng vừa đầy hình ảnh và màu sắc.
      Bài hát cho đến nay vẫn được trình bày, và là một trong những bài hợp ca hay nhất tân nhạc Việt Nam. Ngày xưa, trên vô tuyến truyền hình trước 75, khán giả vẫn còn nhớ phong độ của cặp song ca Y Bất Hối và Hoàng Hương qua nghệ thuật điêu luyện và rất “ăn khớp”. Hai giọng quyện nhau đến nỗi không biết ai hát bè ai hát phần chính!
      Nhắc đến những bài hát xa xưa bỗng thấy lòng trùng xuống, vì nỗi luyến tiếc thời thơ ấu êm đẹp, vì hình ảnh người thầy khả kính đã mất, hay vì một khung cảnh sống nay không còn nữa…

                                                                                  TẠP GHI QUỲNH GIAO