Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

Bài viết về Nhạc Sĩ HÙNG LÂN - Tuyết Hằng



Ngaøy 23/09/2001

BÀI VIẾT VỀ NHẠC SĨ HÙNG LÂN 

Khi đặt bút viết về cố nhạc sĩ Hùng Lân, tôi tự nhủ: “Biết viết gì về thầy đây?”. Nhạc sĩ Hùng Lân còn là giáo sư dạy nhạc lý tại trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Việt Nam trước 1975.

Về đời tư của thầy, tôi không được biết nhiều. Chỉ biết tên thật của thầy là Hoàng Văn Hương, có gia đình với 7 người con xinh xắn , thông minh, 1 trai, 6 gái, đã biết điều khiển ca đoàn hát lễ ở nhà thờ! Phu nhân của thầy rất điềm đạm, hiểu rộng, vừa đẹp vừa có giọng hát hay, rất dễ thương, theo lời ông Trần Văn Khê thì khi chưa có gia đình, lúc trẻ, vào năm 1943, bà là người đầu tiên, đã cùng với 2 thiếu nữ khác, đi tiên phong, lên sân khấu Hà Nội, đưa ra lối trình diễn mới, trong một vở THI CA NHẠC KỊCH lớn tại Hà Nội.

Nếu nói về các tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Hùng Lân, thì tôi vẫn còn nhớ được một số bài về tân nhạc, cũng như thánh ca, và ca nhạc nhi đồng nữa. Đặc biệt 1 điều là nhạc sĩ Hùng lân đã sáng tác thánh ca rất nhiều. Tôi còn nhớ một số bài rất phổ thông được hát trong các thánh lễ như: Lên núi Sion, Cao Vời Khôn Ví, Nhớ ngày năm xưa, Kính chào Nữ Vương, Chúa sống trong Tôi, Bài ca Vạn Vật, Thắp ngọn nến hồng, Chúa có mặt  trong lịch sử v.v…

Nói về tân nhạc của ông, thì chắc chưa ai có thể quên được. Đường lối sáng tác thật trong sáng, xây dựng, nội dung rất lành mạnh, phản ánh lòng yêu nước, bổn phận công dân, khơi dậy chí khí anh hùng dân tộc. Chẳng hạn như vài nhạc phẩm bất hủ sau đây: Việt Nam Minh Châu Trời Đông, Rạng Đông (bài này được giải nhất, nhì toàn quốc vào năm 1943-1944), Khỏe vì nước, Hè về, Cô gái Việt, Ca Xuân Hẹn Ước, Trăng lên, Cầu nguyện, Thành xưa, Dâng thơ, Lắng nghe, v.v…Ngoài ra ông còn có nhiều nhạc phẩm sáng tác dựa theo ca dao Việt Nam rất lôi cuốn người nghe, vì ca dao Việt Nam đã phản ánh được đời sống nhọc nhằn của dân quê, mô tả lại những sinh hoạt của dân ta hằng ngày trên ruộng lúa, nương khoai. Cadao ngoài ra còn làm sống lại những tình tứ mộc mạc đơn sơ, rất dễ thương của dân ta quanh quẩn bên cây đa, đình làng từ thuở xa xưa…Và cũng vì ca dao Việt Nam còn cho thấy được phong tục tập quán của Việt Nam cho nên các nhạc phẩm sau đây của nhạc sĩ Hùng Lân được dân ta đón nhận một cách đặc biệt như: bài: Quả cau, Duyên tình miềm Nam, Khêu ngọn đèn loan, Cái cò lặn lội bờ sông v.v…

Nhạc nhi đồng của nhạc sĩ Hùng Lân thì chắc các em bé biết nhiều hơn tôi, nhưng chắc chắn là dù người lớn hay trẻ em, ai cũng phải thuộc 1 só bài sau đây, chẳng hạn như: em yêu Ai?, Thằng Tí sún, Vỗ tay, Hỏi tên, Hoan Ho, Hò Ba Lý, Mừng Gặp nhau, Rừng già, Làm quen, Tay xiết chặt bàn tay, Nở một nụ cười, v.v…

Viết đến đây thì tôi chợt nhớ là thầy Hùng Lân ít khi nào cười lắm, mặc dù chỉ cười mỉm, hoặc cười nửa nụ thôi!.Giáo sư Hùng Lân là một nhà mô phạm đạo đức (thật), kỹ lưỡng ngă nắp, mà nhất là rất nghiêm nghị! Đôi khi có thể là nghiêm khắc nữa. Có lẽ nhờ vậy mà môn sinh của thầy mới nể sợ, nên cố gắng chăm học, riêng cá nhân tôi, chẳng những học chăm, mà là học rất kỹ, lý do vì suốt 4 năm dài đèn sách ở Viện Quốc Gia Âm Nhạc & Kịch Nghệ Việt Nam, chưa có lấy 1 ngày nào mà thầy Hùng Lân không khảo tôi về nhạc lý. Lúc bấy giờ tôi nghĩ rằng thầy không thích ca sĩ, nên tôi bị thầy quay quá kỹ…Thầy Hùng Lân thường phàn nàn :“Các ca sĩ, nhất là ca sĩ phòng trà, không hát đúng nốt nhạc, cứ hay láy, uốn éo, làm thay đổi nốt nhạc, không tôn trọng giá trị của nốt nhạc !” Có lẽ thầy không mấy tin tưởng vào ca sĩ!

Tôi và nữ ca sĩ Quỳnh Giao (Ai nữ của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang) vào Quốc Gia Âm Nhạc viện & Kịch Nghệ học cùng một thời, và cô cùng hoàn  cảnh tương tự : là ca sĩ trước khi vào Âm Nhạc Viện học nhạc…

Sau vài tháng , thầy nhận thấy tôi cố gắng học hành, và có giọng soprano, thầy cho tôi vào hát trong ban Thiên Thanh hàng tuần trên đài phát thanh Tiếng Nói Quân Đội. Sau đó, tôi đã chính thức hát cho thầy Hùng Lân trong hầu hết các chương trình nhạc trên đài phát thanh cũng như trong các thánh lễ ở giáo đường. Đã cộng tác với thầy trong nhiều chương trình nhạc, nhưng tôi thích nhất là chương trình “Tìm Hiểu Dân Ca, Dân Nhạc” của thầy, được thu thanh cho đài Tiếng Nói Tự Do, tức là VOF trước năm 1975. Trong chương trình này, tôi được đọc dẫn giải, và hát nhạc của thầy để dẫn chứng về ca dao, phong dao và đồng dao. Nhờ chương trình này mà tôi được biết, và yêu mến dân ca cổ truyền hơn hết tất cả. Và cũng để tiếp tay với các bậc tiền bối trong việc duy trì và phổ biến dân ca cổ truyền, tôi đã thành lập một ban tam ca, tên là Đông Phương. Ban tam ca Đông Phương chuyên trình bày dân ca cổ truyền Việt Nam, đặc biệt là có phần hòa âm cho ba giọng nữ. Từ trước dân ca cổ truyền chỉ được trình bày đơn điệu mà thôi. Cũng vì tính cách độc đáo này, và nhờ vào lối trình diễn mới mẻ, sống động của ban Đông Phương, đồng bào đã đón nhận ban này một cách nồng nhiệt. Lần đâu tiên, ban Đông Phương đã đem dân ca cổ truyền Việt Nam vào sân khấu phòng trà Đêm Màu Hồng do nhạc sĩ Phạm Đình Chương điều hành, trình diễn độc quyền hằng đêm cho đến năm 1975, Ban nhạc Đông Phương cũng đã được chấm giải Nhất trong kỳ thi Dân Ca cỗ truyền Đông Nam Á do Đài Loan tổ chức vào năm 1970 – 1971. Đây cũng là một niềm vui khá lớn cho người Việt, nhờ dân ca cổ truyền niềm hãnh diện dân tộc, vàcũng là nhờ thầy trước tiên. Thầy đã dạy dỗ, và cho tôi có dịp làm quen với dân nhạc!

Tuy giáo sư Hùng đã bỏ lại tất cả để vĩnh viễn ra đi, nhưng những nhạc phẩm giá trị thầy để lại, cùng những thành công tốt đẹp do các môn sinh của thầy thì luôn được, đã và đang là mối dây liên lạc mật thiết với thầy, như những nốt nhạc luân lưu trong tim óc, trong huyết quản của mọi người Việt Nam. Xin tri ân và tưởng nhớ đến Thầy.

Môn sinh của Giáo Sư Hùng Lân
Cựu Nữ sinh viên Quốc Âm Nhạc & Kịch Nghệ Việt Nam 
Tuyết Hằng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét